XỨ QUẢNG

Gặp Tân cử nhân loại giỏi ngành Toán học

(phantocbaoan.wordpress.com) Tại Lễ Tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi họ Phan Bảo An tại Đà Nẵng năm 2008, có một sinh viên được khen thưởng với thành tích nhiều năm liền là học sinh, sinh viên xuất sắc, vừa tốt nghiệp hạng giỏi cử nhân ngành toán. Đó là sinh viên Phan Anh Tuấn, phái 2 đời 16. Minh Hằng đã có cuộc trao đổi với tân cử nhân loại giỏi này

Phan Anh Tuấn - phút thư giãn bên máy vi tinh

Phan Anh Tuấn - phút thư giãn bên máy vi tính

“Nhà em khó tìm lắm, chị cứ đến đầu hẻm đường Đống Đa rồi em ra dẫn vào”. Qua điện thoại, Phan Anh Tuấn dặn tôi như thế. Đúng là khó tìm thật, nếu không có sự dẫn đường của Tuấn thì có lẽ tôi phải loay hoay rất lâu nữa mới tìm được nhà của cậu tân cử nhân vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội. Nhà Tuấn ở khá sâu trong một hẻm nhỏ, quanh co thuộc tổ 35 phường Thanh Bình, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Những ngày cuối tháng 8 này, Tuấn đang chờ nhận công tác theo sự phân công của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vì em thuộc diện đào tạo theo chương trình học bổng của thành phố dành cho học sinh giỏi.

Là con đầu trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều là công chức Nhà nước, Phan Anh Tuấn đã sớm có ý thức tự lập từ nhỏ. Chỉ những năm học tiểu học, bố mẹ mới phải đưa đón, còn lên đến cấp 2 rồi cấp 3, Tuấn đều tự giải quyết các vấn đề của mình, kể cả việc lựa chọn những môn học yêu thích. Vậy mà cả 16 năm đi học, từ lớp 1 đến khi tốt nghiệp đại học, thành tích học tập của Tuấn đều đạt loại giỏi. Ngay từ khi học cấp 2 tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, Tuấn đã rinh về các giải thưởng: lớp 7 và lớp 8 đều đạt giải nhất môn toán cấp thành phố; năm lớp 9, Tuấn tham gia thi 2 môn tại kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và đạt giải 3 môn Toán, giải nhì môn Vật Lý. Những năm học cấp 3 ở Trương chuyên Lê Quý Đôn, thành tích học tập của Tuấn lại ghi thêm những dấu ấn mới: năm lớp 11 đạt giải 3 Kỳ thi giải toán trên máy tính casio toàn quốc; năm lớp 12: giải nhì môn toán cuộc thi cấp thành phố, giải khuyến khích môn toán kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, giải nhì cuộc thi giải toán trên máy tính casio toàn quốc. Học xong phổ thông, Phan Anh Tuấn thi vào khoa Toán-Cơ-Tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội, chuyên ngành Toán học tính toán.

– Có nhiều ngành đang rất “hót” như: tài chính, ngân hàng, kinh tế, ra trường vừa dễ xin việc làm, vừa dễ kiếm tiền, sao em lại chọn ngành Toán, có vẻ như rất khô khan?

Bằng tốt nghiệp c�� nhân loại giỏi ngành toán học của sinh viên Phan Anh Tuấn

Bằng tốt nghiệp cử nhân loại giỏi ngành toán học của sinh viên Phan Anh Tuấn

Trả lời câu hỏi của tôi, Tuấn cười bẽn lẽn:Toán học đúng là rất khô khan nhưng không hiểu sao lại có sức hút đối với em đến thế. Mỗi mệnh đề, mỗi công thức tuy rất ngắn gọn nhưng để hiểu được, để chứng minh, luận giải nó thì cứ như người đi trong rừng mà càng vào sâu thì càng có nhiều nhánh rẽ, rất khó khăn thách thức nhưng cũng rất hấp dẫn, khó cưỡng lại sự tò mò và mong muốn khám phá. Tuấn cho biết: Chuyên ngành Toán đòi hỏi phải có sự say mê, kiên trì nhưng không phải ai cũng theo được đến cùng Năm đầu tiên lớp của em có 38 sinh viên, đến năm thứ 4 “rơi rụng” còn 23 người và khi tốt nghiệp con số đó là… 15. Khoá luận tốt nghiệp với đề tài “Phương trình vi phân đại số” của Tuấn đã được xếp loại giỏi. Kinh nghiệm học tập của Tuấn là muốn học tốt, hiểu sâu về môn Toán thì điều quan trọng là phải rèn luyện kỹ năng và làm bài tập thật nhiều. Bài nào khó thì trao đổi trong nhóm học tập, khó nữa thì mới hỏi thầy. Có nhiều bạn học sinh khi gặp bài khó rất ngại, thậm chí rất sợ gặp thầy, cô giáo để hỏi đó là do các bạn chưa đọc kỹ, hỏi lan man, không rõ vấn đề, làm mất thời gian của thầy cô, còn với Tuấn thì đó là việc bình thường. Khi gặp bài khó, Tuấn tập trung đọc thật kỹ đề bài, chọn ra vấn đề cốt lõi nhất, trọng tâm nhất mà mình chưa hiểu mang đến hỏi thầy, lúc đó cả thầy và trò đều rất hứng thú trao đổi để cùng tìm ra cách giải quyết.

Say mê toán học nhưng Tuấn cũng dành thời gian đọc nhiều sách về tâm lý, tính cách con người, truyện trinh thám, xem các chương trình thời sự và “nghiện” lướt nét. Tuấn cho biết: Em luôn sẵn sàng và cố gắng làm thật tốt công việc được lãnh đạo thành phố phân công, nếu có điều kiện, em mong muốn được học tiếp lên cao học để chuyên sâu hơn nữa ngành Toán học mà em rất yêu thích và lựa chọn làm sự nghiệp của cuộc đời mình.

Bài và ảnh MINH HẰNG

Tháng Tám 24, 2008 Posted by | a. Tộc Phan Bảo An | Bình luận về bài viết này

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài cuối): Góp một viên gạch cho tiền nhân

Phan Châu Trinh viết trong “Tỉnh quốc hồn ca”: “Ra vào vạn tử nhất sanh/Chết cho ngàn thuở bia danh mới là…”. Đấy là sự lựa chọn quyết liệt ngay từ lúc đang sống của phần lớn danh nhân, chí sĩ xứ Quảng.

Nhưng dẫu tiền nhân chỉ cần “bia danh”, hậu thế vẫn không có “quyền” quên lãng. Tìm kiếm một lối ứng xử phù hợp với người đã khuất cũng chính là nghĩa cử nghiêm cẩn nhất trước lịch sử…

“Đời thường” phía sau tên tuổi

Tuy mộ của Mai Dị được cắm mốc di tich, nhưng do “tiếc” đất bỏ trống nên người dân đã tranh thủ trồng trọt!

Tuy mộ của Mai Dị được cắm mốc di tích, nhưng do “tiếc” đất bỏ trống nên người dân đã tranh thủ trồng trọt!

Chúng tôi đã đi qua phần lớn các nơi chốn mà danh nhân, chí sĩ xứ Quảng đang yên nghỉ, để phác họa đôi nét câu chuyện mồ mả. Cái chết, với nhiều danh nhân, đơn giản chỉ là một lẽ “sống gửi thác về”. Ngay chính con người “nhất tử thành danh” Hoàng Diệu cũng “đâu dám nói chết là trung nghĩa” – như trong Di biểu cụ viết gửi về triều đình Huế trước khi tuẫn tiết tại thành Hà Nội… Nhưng, vẫn còn đó những vướng bận đời thường khác đang nằm bên ngoài tấm “bia danh” truyền đời, rất đỗi bình thường như chuyện tu sửa, cải táng…

Có một “điển hình” về di dời lăng mộ 3 nhân vật lừng danh ở cùng xã Điện Phước (Điện Bàn) mà chúng tôi chưa có dịp chép hầu quý độc giả: Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành Ý và Mai Dị. Hành trạng của tiến sĩ Trần Quý Cáp và cụ cử Mai Dị kể cũng đã rõ. Còn Nguyễn Thành Ý (1819-1897) vẫn thường biết đến là nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong gia đình cùng đỗ đạt). Ông chính là nhà ngoại giao cuối triều Tự Đức, được cử làm lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Việt Nam ở Sài Gòn năm 1875 trong bối cảnh Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Hai năm sau lại làm trưởng đoàn dự Hội chợ đấu xảo tại Paris – Pháp… Con người ấy, theo thời cuộc đẩy đưa, đã mất lặng lẽ tại quê nhà.

Mộ của Nguyễn Thành Ý - nhân v�t trong “Ngũ t� đăng khoa” khiêm nhường và nhỏ bé đến kinh ngạc.

Mộ của Nguyễn Thành Ý - nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa” khiêm nhường và nhỏ bé đến kinh ngạc.

Nhưng thật kinh ngạc khi bước vào nghĩa địa Gò Bướm (thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước), người dẫn đường chỉ vào một nấm mộ bé nhỏ, bảo: “Mộ cụ Nguyễn Thành Ý đấy!”. Cách đấy vài chục mét, nếu lăng mộ cụ Trần Quý Cáp đồ sộ, cao hơn 7 mét thì nấm mộ cụ Nguyễn Thành Ý vỏn vẹn cao chưa đầy 0,5 mét. Tấm bia chừng 1 mét cũng gãy đôi được “gắn” lại, nằm lẫn trong cây cỏ giữa một nghĩa địa san sát mộ… Bảo tàng Quảng Nam từng dự tính hỗ trợ xây một nhà bia (tương tự nhà bia của Phan Bá Phiến) để hậu thế “biết” về một nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa”, nhưng rồi mọi chuyện rơi vào im lặng do phía gia tộc chưa thuận ý…

Ở thôn Nông Sơn gần đấy, mộ cụ Mai Dị cũng không khá hơn: một di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh có tổng diện tích (đã cắm mốc) 459m2 đang khuất lấp trong ruộng bắp. Vì thế, huyện Điện Bàn quả quyết cần di dời cả 3 mộ cụ Trần, cụ Mai, cụ Nguyễn đến địa điểm mới cạnh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Điện Phước. Nhưng tất cả chỉ là ý tưởng: hoặc phải xin ý kiến từ Bộ VH-TT-DL đối với mộ Trần Quý Cáp (di tích cấp quốc gia), hoặc còn chờ sự “đồng thuận” của gia đình hai cụ Nguyễn Thành Ý và Mai Dị.

Một cán bộ chuyên lo công tác kiểm kê, theo dõi các lăng mộ tiền nhân tuyến huyện than phiền rằng, chỉ cần một năm sau quay lại viếng hương các cụ đã có thể bị “lạc” bởi một rừng bia mộ mới. Đất cho người chết ngày càng chật chội, nên các di tích lại càng cần có quy hoạch ban đầu nếu không muốn phải cải táng bất đắc dĩ… Mà ở Quảng Nam, không phải trường hợp cải táng nào cũng suôn sẻ như của tiến sĩ Trần Văn Dư (1839-1885), người lãnh đạo đầu tiên của Nghĩa hội Quảng Nam. Từ một nấm mộ đơn sơ chôn trong vườn nhà ở Tam An (Phú Ninh), hài cốt cụ Trần đã được cải táng ra khuôn viên cạnh tháp Chiên Đàn ngay trên quốc lộ 1A, trông khá thoáng đãng và trang nghiêm. Sự “suôn sẻ” ấy có phải là phúc phận riêng của mỗi cụ?

Góp một viên gạch…

Khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ đang được mở rộng, một điển hình của sự chia sẻ giữa gia tộc với Nhà nước.

Khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ đang được mở rộng, một điển hình của sự chia sẻ giữa gia tộc với Nhà nước.

Nhưng chút “đời thường” ấy chưa hẳn đã đáng suy tư bằng việc: có hay không chuyện một số tiền nhân cùng lăng mộ của họ bị rơi vào quên lãng? Truy cập vào website của ngành du lịch Quảng Nam (www.quangnamtourism), di tích danh nhân xứ Quảng chỉ đề cập vỏn vẹn có 6 vị, gồm Đoàn quý phi, Hoàng Diệu, Trần Văn Dư, Phạm Phú Thứ, Phan Thành Tài, Tiểu La Nguyễn Thành. Xin nhắc lại, trên địa bàn Quảng Nam hiện có đến 30 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia, chưa kể nhiều nhân vật nổi danh khác nữa… Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa-du lịch khẳng định, ngoài sách về di tích, thắng cảnh, thông tin về danh nhân chí sĩ Quảng Nam hiện phải trông cậy vào phương tiện thông tin đại chúng và qua chương trình lịch sử trường học, lịch sử địa phương. Quảng bá tên tuổi đã khó, nên chuyện giữ gìn lăng mộ càng không dễ. Lẽ tất nhiên Nhà nước đang cần đến sự chia sẻ từ phía gia tộc và xã hội. Nhưng có một sự thực, phía Bảo tàng Quảng Nam muốn biết các di tích ấy có xuống cấp hay không, còn phải… chờ “cơ chế” đề xuất từ tuyến huyện.

Và câu hỏi “Lấy đâu ra kinh phí trùng tu?” cũng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Có tài liệu chép rằng, sau khi nấm mộ chôn chung hai chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên tại Huế được tiết lộ (giai đoạn 1956-1957, như đã đề cập trong kỳ 2 loạt bài này), thời điểm ấy nhiều sinh viên Văn – Sử đã phác họa chương trình “Mỗi học sinh Huế một viên gạch cho ngôi mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân”. Công việc dang dở thì Huế giải phóng… Trong điều kiện Quảng Nam hiện có quá ít lăng mộ danh nhân, chí sĩ trùng tu hoàn thiện, còn lại phần lớn hư hỏng hoặc chưa được biết đến… thì đây quả là ý tưởng thú vị, đầy tính nhân văn và còn nguyên tính thời sự. Phong trào “Mỗi người góp một viên gạch cho tiền nhân” vừa tạo điều kiện vật chất để tu sửa vừa khơi gợi ý thức của xã hội. Đã đến lúc phong trào “2 trong 1” này được khởi động, tại sao không?

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Đinh Hài:
Ý tưởng “Góp một viên gạch…” có thể thực hiện được !
Ý tưởng “Một viên gạch cho tiền nhân”, theo tôi rất tốt. Vì đấy chính là nghĩa cử, một cách để giáo dục lịch sử và có thể thực hiện được. Quảng Nam có nhiều danh nhân, chí sĩ, thời gian qua các địa phương và gia tộc đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, cần có kế hoạch soát xét chung để làm từng bước. Muốn có kinh phí, phải huy động cả ba nguồn : gia tộc, ngân sách nhà nước và xã hội. Huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, bởi ngân sách nhà nước có hạn. Nhưng theo tôi, vấn đề không hoàn toàn xuất phát từ tiền, mà là nghĩa cử, giáo dục.
Với các bậc tiền nhân, mộ lớn hay nhỏ không phải được “đo đếm” về qui mô xây dựng, mà phải là ở sự hiểu biết của cộng đồng, sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với chính con người đó như thế nào. Mộ là biểu hiện của phần “vật thể”, nhưng cần đặt trong mối quan hệ với phần “phi vật thể”, tức ý thức và sự ảnh hưởng.

*
* *

Rất có thể, ai đó sẽ cho rằng lo “chuyện người sống” bây giờ còn bất cập, huống hồ để tâm đến “chuyện người chết”. Nhưng lịch sử là một sợi dây xuyên suốt quá khứ hiện tại tương lai, và chuyện nấm mồ cho người đã khuất còn biểu hiện nghĩa cử của người đang sống. Với những danh nhân, chí sĩ có chỗ đứng nhất định trong lịch sử, trở thành biểu tượng về văn hóa… thì xã hội càng không thể thoát ly trách nhiệm. Ứng xử với tiền nhân cũng là cách chúng ta tự thể hiện mình cho thế hệ tương lai soi vào. Hãy bắt đầu từ niềm tôn kính sâu xa nhất, và bằng một công việc nhỏ nhất!

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 24, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này