XỨ QUẢNG

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài 3): Ngũ phụng giờ “đậu” nơi đâu?

Khoa thi năm Mậu Tuất 1898, xứ Quảng cùng lúc có 5 vị đỗ đầu, từ đó “Ngũ phụng tề phi” đã trở thành niềm tự hào của riêng xứ Quảng. Nhưng hành trạng của mỗi vị đại khoa ấy không hề giống nhau, như chính những nấm mộ của họ vậy…

Nổi chìm “ngũ phụng”

Mộ Phó bảng Dương Hiển Tiến “chen” giữa hàng trăm ngôi mộ khác

Mộ Phó bảng Dương Hiển Tiến “chen” giữa hàng trăm ngôi mộ khác

Khoa thi năm 1898 đã khắc một dấu ấn quan trọng trong lịch sử khoa bảng Việt Nam. Cả 5 vị đại khoa đều sinh quán Quảng Nam, gồm 3 tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và 2 phó bảng (Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân). Nhưng hành trạng sau này của mỗi vị quả thực rất khác xa nhau. Đặc biệt là với cụ Phạm Liệu, người đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi (trong khi cụ Phạm Tuấn ở tuổi 46 mới đỗ tiến sĩ, cùng khoa) và từng được xem là một trong ba người thông minh, hay chữ nhất kinh đô Huế những năm 1891-1894. Khi làm Án sát ở Quảng Ngãi, Phạm Liệu là người phát giác đầu mối cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đưa đến cuộc thảm sát hàng loạt nhà cách mạng (đã đề cập trong kỳ 2 của loạt bài này). Đến năm 1933, nội các do Nguyễn Hữu Bài đứng đầu đã phải từ chức tập thể, khi đó Phạm Liệu giữ chức Thượng thư Bộ Binh.

Phải chăng những biến cố lịch sử và chính trị này đã làm “mờ” đi phần nào nhân vật số một của “Ngũ phụng tề phi”? Những người chép sử về xứ Quảng lâu nay dường như cũng ít muốn nhắc đến. Trong cuốn “Chí sĩ Trần Cao Vân” (NXB Đà Nẵng, 1999) do Trần Trúc Tâm sưu tầm, biên soạn, tác giả – người gọi cụ Trần Cao Vân là cố đã có những lời phê nặng nề: “Phạm Liệu – một tiến sĩ đứng đầu “Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng Nam, nỡ đem tài học vấn của mình giúp cho chính quyền bảo hộ khám phá bí mật của công cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916”. Đây hẳn là nỗi đau lớn đối với con cháu cụ Phạm…

Lặng lẽ mộ Phạm Liệu giữa ruộng bắp

Lặng lẽ mộ Phạm Liệu giữa ruộng bắp

Chúng tôi gặp đôi chút khó khăn khi viếng mộ cụ Phạm Liệu ở Điện Trung (Điện Bàn) khi quá ít người biết về nơi yên nghỉ của cụ. Ngay đến năm mất, có sách chép Bính Tý 1936 nhưng trên bia mộ khắc là Đinh Sửu 1937 (năm sinh cũng không thống nhất giữa 1872 với 1873). Đấy là ngôi mộ không lớn do gia đình xây năm 1997, tương đối vững chãi, nằm khuất trong vùng trồng bắp khá vắng vẻ, cạnh một nghĩa địa nhỏ. Bia ghi dòng chữ “Phạm Liệu, tự Sư Giám, hiệu Tang Phố, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898)”. Và chỉ có hai chữ “ngũ phụng” tiếp bên dưới mà bỏ sót 2 chữ “tề phi”, không hiểu có ngụ ý gì…

Danh thơm và hậu vận

Nhưng dù sao thì thế hệ kế tiếp vẫn có tâm nguyện được biết tường tận nơi chốn mà những bậc đại khoa ấy đang yên nghỉ, chứ không thể “mò mẫm” mỗi lần muốn đến viếng. Vậy 4 cụ còn lại hiện đang “đậu” nơi đâu?

Cuộc vinh quy bái tổ của “Ngũ phụng tề phi” cũng được chép lại rất trang trọng. Chuyện rằng, dọc hai bên đường từ đỉnh đèo Hải Vân đến Vĩnh Điện (Điện Bàn), hương lý đã sức cho dân làng quét dọn sạch sẽ, mỗi làng còn đặt bàn hương án bên vệ đường và có các vị chức sắc, thân hào khăn áo chỉnh tề nghinh đón. Các vị tân khoa khi đến nơi đặt bàn hương án liền xuống ngựa, nhận và trả lễ, được mời ăn miếng trầu cau hoặc uống chén rượu rồi mới lên ngựa đi tiếp…

Trên cánh đồng Xuân Đài (xã Điện Trung – Điện Bàn), mộ Tiến sĩ Phạm Tuấn nằm giữa một vuông đất nổi lên trông khá lẻ loi, chỉ cách mộ cụ Hoàng Diệu chừng vài trăm mét. Cụ Phạm Tuấn (1852-1917) làm đến Thừa biện bộ Lễ, sau mất tại làng. Những năm 1972-1973, vì mộ ở gần sông Thu Bồn nên gia tộc sợ bị nước cuốn trôi đã cải táng về Cồn Nô. Sau năm 1975, mộ cụ lại cải táng lần nữa khá trang trọng về quê cũ với diện tích khoảng 160m2… Nhưng khu mộ này hiện đang bị “vây khốn” bởi bốn bề lúa và cỏ voi, lối đi vào chỉ bằng bàn chân men theo bờ ruộng rồi hẹp dần, chia cắt bởi các đá ruộng. Bên dưới cổng tam quan cao lớn có dòng chữ “Ngũ phụng tề phi” lại đang bị chân ruộng lúa lấn sát. Sau mùa lụt 2007, dãy tường phía sau đổ sập, bia ghi công trạng bị vỡ ngổn ngang. Phòng VH – TT huyện Điện Bàn từng đề nghị địa phương mở con đường rộng 1 mét dẫn vào mộ đã một năm rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh. Thật khó hình dung đây là một di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh!

Lối vào mộ Tiến sĩ Phạm Tuấn

Lối vào mộ Tiến sĩ Phạm Tuấn

Mộ cụ Tiến sĩ thứ ba trong “ngũ phụng”, Phan Quang, hiện tọa lạc tại thôn 4, xã Quế Châu (Quế Sơn). Cụ Phan có đường hoạn lộ suôn sẻ, làm đến chức Tham tri bộ Hình, về hưu được tặng hàm Lễ bộ Thượng thư. Mộ phần do con cháu dòng tộc trùng tu chừng 10 năm trước trên diện tích xấp xỉ 80m2, mà theo Chủ tịch UBND xã Quế Châu – Phan Thạch là “tương đối tốt”… Nếu mộ cụ Phan táng trên một gò cao thoáng đãng, thì ở thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong (Điện Bàn), mộ cụ Phó bảng Dương Hiển Tiến lại “chen chúc” tại nghĩa địa Cẩm Phú giữa hàng trăm ngôi mộ san sát nhau của 16 chi tộc phái. Nhưng dù sao đấy cũng là tấm tình của gia tộc và học trò cụ nghè Dương. Tấm bia cũ dựng tại đây chép: “…Về quê dạy học đến năm 1907 cụ lâm bịnh chết, nhà nghèo vợ yếu, đồng môn các nơi qui về mai táng”. Chiến tranh đã phá hỏng một phần của tấm bia này, mãi sau năm 1975 mộ cải táng về nghĩa địa Cẩm Phú để dân lấy đất sản xuất. Đến lần tu bổ năm 2001, mộ cụ nghè Dương hoàn chỉnh theo lối song tam mộ (có hai nấm của cụ bà chánh và thứ), nấm mộ chính hình bát giác đã cũ nhưng trông gần gũi, ấm áp…

Vị đại khoa thứ 5 trong “Ngũ phụng tề phi”, Phó bảng Ngô Chuân (tức Ngô Lý) cũ xem ra là người “lặng lẽ” hơn cả. Có khá ít tư liệu nhắc đến cụ. Ông Lý Quốc Sum, người gọi cụ Ngô là cố ngoại, kể thêm: Sau khi “Ngũ phụng tề phi” vinh quy, có tộc lớn trong làng cho rằng tộc Ngô là “tộc lẻ” (tộc nhỏ, nơi khác đến) mà đỗ đạt cao, nên nảy sinh đố kỵ. Biết được chuyện này, cụ buồn và lâm bịnh chết khi đang làm quan ở Huế, thi hài sau đưa về làng. Nhưng rốt cuộc, mộ của cha con cụ buộc phải dời đến một nơi khác trong làng Cẩm Sa… Mãi đến năm 2000, chính quyền xã Điện Nam (nay là Điện Nam Bắc, Điện Bàn) cùng gia đình viết đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu mộ cụ Ngô Chuân.

Biểu tượng khoa bảng xứ Quảng, một “góc nhìn” từ phia lăng mộ qua thời gian.

Biểu tượng khoa bảng xứ Quảng, một “góc nhìn” từ phía lăng mộ qua thời gian.

Hậu duệ cụ Phó bảng Ngô Chuân quả có hoàn cảnh “đơn chiếc”: người cháu trưởng nam là thương binh 1/4, bị liệt cả tay chân; người cháu gái là vợ liệt sĩ neo đơn… Với hỗ trợ 2 triệu đồng của Phòng VH-TT Điện Bàn, 4 triệu đồng của huyện Quế Sơn (quê của cụ Tiến sĩ Phan Quang đồng khoa), sau đó con cháu cụ Ngô Chuân đã dựng một nấm mộ nhỏ chưa đến 10 m2, kinh phí chỉ hơn 7 triệu đồng. Thợ xây cũng chính là đám con cháu chứ không có nghệ nhân nào cả, “nên không có điều kiện làm kỹ” – ông Lý Quốc Sum nhớ lại.

*
* *

Tại dinh Tổng đốc Điện Bàn ngày trước, có bức thục thêu hình năm con chim phụng với tư thế 3 con đang bay (tượng trưng cho 3 tiến sĩ) và 2 con xếp cánh (tượng trưng 2 phó bảng). Sắc ban “Ngũ phụng tề phi” của vua Thành Thái giờ đã nằm trong tâm thức bao người dân Quảng hiếu học. Nhưng với chính những vị đại khoa ấy, danh thơm không hẳn đã “chia đều” cho tất cả.

Bài 4: Gửi thân xứ người

Dẫu sao, cả 5 vị đại khoa trong “ngũ phụng” cũng đã yên nghỉ ngay trong lòng đất mẹ xứ Quảng. Còn rất nhiều danh sĩ, chí sĩ khác vì thời cuộc đẩy đưa đã phải gửi thân xứ người…

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 17, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài 2): Long đong nấm mộ anh hùng

Khép lại một đời lẫm liệt ở tuổi 50 nơi bãi chém An Hòa phía bắc kinh thành Huế, ít ai ngờ nấm mộ cụ Trần Cao Vân đã lại tiếp tục long đong suốt hàng chục năm sau nữa. Câu chuyện ấy cũng giống với một con-người-hành-động khác: Mục Thuyết.

Chuyện nữ đồng chí giữ mộ

Chùa Cổ Lâm (Đại Lộc), nơi cụ Trần Cao Vân từng ẩn tu và viết “Trung thiên dịch".

Chùa Cổ Lâm (Đại Lộc), nơi cụ Trần Cao Vân từng ẩn tu và viết “Trung thiên dịch

Khi đám tang Hoàng Diệu được đưa về Gò Nổi, có một thư sinh mới 17 tuổi Trần Cao Vân kịp đến nghiêng mình bên con người đã “nhất tử thành danh”, để rồi chính cụ Trần sau này cũng tạc vào sử sách khi chấm dứt một đời quyết liệt nơi bãi chém An Hòa. Nhà yêu nước Trần Cao Vân (1866-1916) quê làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, Điện Bàn), từng ngang qua và bị bắt giam ở các ngục Phú Yên, Bình Định do dính dáng đến cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ và vụ án “Trung thiên dịch”. Với thuyết “Trung thiên dịch” nay đã thất lạc, cụ bị giặc khép tội “yêu thơ yêu ngôn”, “xúi nhân dân phiến loạn”. Khi phong trào Duy tân lên cao thì Trần Cao Vân bị bắt và bị đày ra Côn Đảo đến năm 1914, một năm sau lại cùng các đồng chí lập ra “Việt Nam quang phục hội”, rồi liên lạc với vua Duy Tân để khởi xướng cuộc khởi nghĩa mới…

Nhưng cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 bất thành. Cơ mưu bại lộ, Trần Cao Vân – cố vấn trong chính phủ lâm thời – bị giết hại cùng với các nhân vật quen thuộc khác: Phan Thành Tài (thống lãnh quân đội toàn quyền, giữ ấn Kinh lược Nam Ngãi), Lê Đình Dương (Bộ trưởng Ngoại giao, giữ ấn Tổng trấn Nam Ngãi), Thái Phiên (Tổng trấn kinh thành Huế)… Vị vua trẻ yêu nước Duy Tân bị đày sang đảo Réunion (châu Phi). Hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên phải lên đoạn đầu đài cùng với Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề. Trước giờ vĩnh quyết, cụ Trần đã đọc 4 câu thơ lưu vào sử sách: “Trời chung không đội với thù Tây/ Quyết trả ơn vua nợ nước này/ Một mối ba giềng xin giữ chặt/ Thân dù thác xuống rạng đài mây”.

Đoạn sử ấy lẽ dĩ nhiên nhiều người thuộc. Nhưng hai cụ giờ yên nghỉ nơi đâu? Nhiều tư liệu chép rằng, sau vụ chém tại pháp trường An Hòa, thực dân Pháp và Nam triều vùi lấp thi thể cả 4 cụ vàsai lính canh gác cẩn mật. Đến năm 1922, con trai cụ xin cải táng về quê nhưng không được. Vậy mà 3 năm sau, một nữ đồng chí có tên Trương Thị Dương (làng Tân Điền, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã hoàn thành tâm nguyện. Khoảng 3 giờ sáng một ngày đầu tháng 5-1925, nhóm của bà Dương thuê người đến dời mộ cụ Trần Cao Vân, Thái Phiên, đặt hài cốt vào chiếc thúng để gánh đi. Hài cốt 2 cụ Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề cũng đã được người khác chuyển đi mai táng trước đó…

Lễ tưởng niệm tại lăng mộ chung Trần Cao Vân và Thái Phiên ở Huế năm 2006, nhân 90 năm ngày mất của 2 cụ.

Lễ tưởng niệm tại lăng mộ chung Trần Cao Vân và Thái Phiên ở Huế năm 2006, nhân 90 năm ngày mất của 2 cụ.

Ban đầu, bà Dương chuyển hài cốt lên một ngôi chùa ở Huế, khâm liệm rồi chôn thành 2 nấm riêng. Hay tin mật thám Pháp dò la được mộ, bà Dương từ Quảng Trị lại trở vào Huế, mang hài cốt sang bên kia đường và lần này chôn chung vào một nấm. Cứ thế, cho mãi đến năm 1956, bà Dương thi thoảng vẫn vào Huế thăm mộ hai cụ. Bí mật ấy chỉ được tiết lộ khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta. Bà kể cho con cháu biết, rồi dựng bia nhỏ bằng xi măng. Năm 1957, người phụ nữ thầm lặng ấy qua đời. Nhưng mọi chuyện đã sáng tỏ, và từ đó cho đến năm 1975 có những tấm lòng trượng nghĩa khác: đông đảo học sinh – sinh viên các trường ở Huế thỉnh thoảng đến viếng hương tưởng niệm hai vị anh hùng xứ Quảng… Tháng 7-1992, tại khu di tích Đồi thông chùa Từ Hiếu (xã Thủy Xuân, thành phố Huế), lăng mộ hai cụ chính thức được tu bổ, tôn tạo khang trang. Trên ngôi mộ ấy, giờ cũng khắc 2 dòng 8 chữ “Trần Cao quý công, Thái Duy quý công” mà cụ Dương đã từng viết lên mộ xi măng hàng chục năm trước, như một sự tri ân người nữ đồng chí từng âm thầm giữ mộ tiền nhân.

“Anh hùng thảo dã”

Đúng 100 năm sau cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào Kháng thuế Trung kỳ diễn ra tại phủ đường Tam Kỳ, ngày 30-3-2008, UBND thành phố Tam Kỳ đã khởi công xây dựng một công trình quan trọng: khu lăng mộ Trần Thuyết. Sĩ phu yêu nước Trần Thuyết (1857-1908), còn có tên khác là Mục Thuyết, ở Phước Lợi, nay là xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh đã dẫn đầu đoàn biểu tình khoảng hơn 3.000 người dân kéo đến phủ đường Tam Kỳ đưa yêu sách và bắt đề đốc Trần Tuệ. Chuyện kể rằng, lúc tòa đại lý Pháp cho xe đến giải thoát đề đốc Trần Tuệ (tức Đề Sự) và chở ra khỏi phủ đường, Trần Thuyết đã hô to : “Dân ta xin quan đại lý giao ông Đề cho dân ăn gan!”. Dân đồng thanh “Dạ !”, khiến Trần Tuệ sợ quá hộc máu ngất xỉu, về đến tòa đại lý thì chết. Sau đó thực dân Pháp đàn áp, bắt giam, xử chém cụ Trần Thuyết và một số người khác. Thật kỳ lạ, trong bản án cụ Mục Thuyết có câu: “Thanh thanh thực Đề đốc can, nhất hô nhi thất tổng chi dân giai ứng”, nghĩa là “(Trùm Thuyết) hô một tiếng đòi ăn gan Đề đốc, dân bảy tổng đều đáp ứng”.

Nén hương viếng mộ người “anh hùng thảo dã” Mục Thuyết.

Nén hương viếng mộ người “anh hùng thảo dã” Mục Thuyết.

Thế nhưng ngôi mộ Mục Thuyết suýt trở thành “vô danh”. Từ sau vụ bị chém bêu đầu tại cầu Tam Kỳ, thi hài (không đầu) của Mục Thuyết được dân mang chôn gần đấy. Các cụ cao niên rỉ tai nhau và xác định tạm thời tại một nấm mộ đất tọa lạc trong khu vực Xí nghiệp Lâm nghiệp Tam Kỳ cũ (thuộc khối phố 1, phường An Sơn). Đến tiết thanh minh, con cháu cụ vẫn tảo mộ. Ông Hoàng Y, Trưởng phòng VH-TT thành phố Tam Kỳ quả quyết, từ năm 1986 địa phương đã xác định vị trí và bắt đầu lập hồ sơ di tích.

Và phải đến năm 2007, khi thi công tuyến đường Nam Quảng Nam, nhóm công nhân đã tình cờ phát hiện một thi thể không đầu. Ngay lập tức, lãnh đạo UBND tỉnh và thành phố Tam Kỳ quan tâm theo dõi, cho khai quật rộng hơn để xác định chính xác, sau đó di dời khoảng 100 mét. Đây sẽ chính là nơi trả lại “tên tuổi” cho cụ Mục Thuyết sau bao nhiêu năm lặng im dưới ba tấc đất. Khu lăng mộ dự tính được Tam Kỳ đầu tư khoảng 300 triệu đồng, và nếu hoàn thiện cả hạng mục tiểu hoa sẽ cần một nguồn kinh phí gấp đôi.

*
*                    *

…Kẻ hậu sinh này đã có duyên đến ngôi cổ tự Cổ Lâm ở Đại Lộc. Tấm bia dựng trước chùa này có đoạn khắc: “Từ năm 1888 đến năm 1891, chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân mượn hình thức một nhà sư để che mắt kẻ thù đã đến đây hoạt động. Ông chuyên tâm khảo cứu “Trung thiên dịch” và quy tụ nhiều nhà yêu nước trong và ngoài tỉnh để mưu cầu việc giải phóng dân tộc”. Một ngày đầu xuân năm trước, người viết cũng đã tìm đến pháp trường An Hòa ở Huế – một bãi xanh ngắt cỏ và u tịch, lác đác vài nấm mộ vô danh… Và trong tiết trời âm u tháng 8 năm nay, bên nấm mộ vừa cải táng của cụ Mục Thuyết, có một nén hương thầm lặng thắp lên để viếng người từng được mệnh danh là “anh hùng thảo dã” của xứ Quảng.

Âu đó cũng là môt đoạn kết có hậu dành cho những con-người-hành-động.

Bài 3: Ngũ phụng giờ “đậu” nơi đâu?

Khởi nghĩa Duy Tân bất thành và hàng loạt nhà yêu nước phải lên đoạn đầu đài, buồn thay, lại ít nhiều dính dáng đến một vị đã làm nên biểu tượng “Ngũ phụng tề phi”. Vậy kể từ sau khoa thi Mậu Tuất 1878, “ngũ phụng” ấy có tiếp tục “tề phi” (cùng bay)  hay phải tứ tán?

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 14, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài 1): Gõ cửa “bảo tàng” Gò Nổi

Mộ người anh hùng Hoàng Diệu nằm giữa bát ngát đồng ruộng Xuân Đài

Mộ người anh hùng Hoàng Diệu nằm giữa bát ngát đồng ruộng Xuân Đài

Những danh nhân, chí sĩ đã góp phần hình thành nên lịch sử, văn hóa, tính cách của xứ Quảng và mãi mãi trở thành niềm tự hào trải qua nhiều thế hệ. Những trang sử, giai thoại về họ truyền lại như một giá trị văn hóa “phi vật thể” quý báu.

Còn phần “vật thể”, nơi họ đã yên nghỉ qua dòng chảy thời gian và bao nhiêu biến cố?

Nương dòng sử cũ, PV Báo Quảng Nam đã tìm về bên những lăng mộ bề thế hoặc những nấm mộ khiêm nhường để được nhận diện rõ hơn niềm tôn kính, ngưỡng vọng và cả nỗi day dứt với tiền nhân.

BÀI 1: GÕ CỬA “BẢO TÀNG” GÒ NỔI

Giữa bát ngát Xuân Đài…

Ai một lần ngang qua Gò Nổi- Điện Bàn, nơi phong cảnh quang rạng và là chốn chào đời của rất nhiều bậc danh sĩ, chí sĩ xứ Quảng, hẳn cũng muốn được viếng thăm lăng mộ tiền nhân để tỏ lòng ngưỡng vọng. Ở làng cũ Xuân Đài đang yên nghỉ một bậc anh hùng lưu danh: Hoàng Diệu (1829-1882). Đứng giữa cánh đồng Xuân Đài (xã Điện Trung), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không giấu được niềm cảm khái: “Mộ không bề thế như tôi tưởng, còn quá nhỏ so với lăng mộ những viên quan lớn vô tích sự quanh triều đình Huế mà tôi vẫn thường thấy (…).Tường lăng sơn trắng, phơn phớt hồng nổi lên giữa màu lúa xanh; bát ngát và trong sáng, đúng là giấc ngủ của người anh hùng”.

Một nét cổ tại lăng mộ mới trùng tu của cụ Hoàng Diệu.
Một nét cổ tại lăng mộ mới trùng tu của cụ Hoàng Diệu.

Ấy là năm 1984, khi tác giả bút ký “Đứa con phù sa” về Gò Nổi. Bây giờ, mọi chuyện đã quá đổi khác. Không còn là “một nấm vôi khô, nằm vùi giữa đồng cỏ voi” nữa. Từ năm 1997, lăng mộ cụ Hoàng đã được trùng tu bề thế, trở thành di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Một khuôn viên rộng 2.508m2, giữa xanh ngắt lúa và thấp thoáng núi phía xa. Táng ngay bên cạnh là mộ của 2 cụ bà chánh thứ thất… Buổi trưa đầu tháng 8, chúng tôi theo chân chị Đinh Thị Hiệp – cán bộ Bảo tàng Điện Bàn và một bậc cao niên khác đến thăm lăng mộ. Vẫn đôi câu đối viếng nổi tiếng của Tôn Thất Thuyết được khắc trang trọng: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm” (Cái chết lẫy lừng, từ trước anh hùng nào muốn thế/ Cả đời trung nghĩa, đang cơn đại nạn há ngơ sao).

Cụ Hoàng Diệu vẫn được hậu thế ngưỡng vọng như một con người sáng ngời nghĩa khí. Cụ đỗ cử nhân năm 19 tuổi, đỗ phó bảng năm 24 tuổi, làm quan triều Nguyễn trải qua nhiều chức quan ở Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên, Nghệ An – Hà Tĩnh…, thăng dần lên đến Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại kiêm Đô sát viện, Binh bộ Thượng thư. Ở cương vị Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội – Bắc Ninh), khi ấy cụ 54 tuổi, giặc Pháp tấn công thành Hà Nội. Giữa lúc triều đình nhu nhược, quan lại đầu hàng hoặc đào ngũ, vẫn lẫm liệt một tư thế Hoàng Diệu. Bia khắc tại thôn Xuân Đài, xã Điện Quang còn chép rõ sự kiện ấy: “…Riêng ngài, tuy là trọng thần văn ban vẫn đơn độc đốc suất binh sĩ kiên cường chống giữ cửa Bắc thành Hà Nội cho đến khi kho thuốc đạn bị phá hủy, giặc tràn vào cửa Tây. Ngài ung dung đến hành cung thảo Di biểu gửi triều đình rồi dùng khăn bịt đầu tự ải tuẫn tiết trước Võ miếu Hà Nội ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ (25-4-1882)”.

… Sau sự kiện lịch sử chấn động ấy, dân chúng cùng nhân sĩ Bắc Hà tống táng người anh hùng xứ Quảng tại khu học đường gần Văn Miếu. Ba tháng sau, hai người con trai từ quê nhà ra đưa di hài cụ về quê an táng. Rồi đúng 100 năm sau nữa, mộ cụ được làng cũ trùng tu. Và bây giờ, khi đã lựa chọn một “cái chết lẫy lừng”, “một cái chết nên danh”, vị anh hùng nổi tiếng liêm khiết ấy đang yên nghỉ giữa bát ngát Xuân Đài.

Thâm nghiêm một “bảo tàng”

Viếng hương tại khu lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ.

Viếng hương tại khu lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ.

Dọc từ Điện Trung lên Điện Quang, khách phương xa đã có thể bắt gặp tấm biển báo độc nhất bằng i-nox chổ dẫn vào một địa chỉ cũng vang danh không kém tại vùng Gò Nổi: lăng mộ cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ (1821-1882). Vừa bước vào khuôn viên, chúng tôi đã gặp ngay hai bác Phạm Phú Vinh, Phạm Phú Trắc những người cháu đời thứ 9, thứ 10 của cụ Phạm vừa từ Tp. Hồ Chí Minh về quê cũ, lo xây dựng Trúc Đường hoa viên. Hoa viên này nằm mé phải khu lăng mộ cụ Trúc Đường chu vi 750 m2, di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Trải qua bao tàn phá của chiến tranh, đến năm 1989 chính quyền tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương cùng con cháu cụ xây dựng lại mộ, để rồi đến năm 2007 đại tu nên diện mạo khang trang, bề thế.

Tấm bia khắc 1.500 chữ dựng nơi lăng mộ cụ Trúc Đường đã phác họa phần nào về tiểu sử, tác phẩm cùng hành trạng của một vị đại khoa đỗ đầu xứ, tú tài, giải nguyên, tiến sĩ. Cụ Trúc Đường từng trải qua các chức Tả Tham tri bộ Lại, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh, Tổng đốc Hải An kiêm Tổng lý thương chánh… Năm 1863, cụ được sung chức Phó sứ, cùng Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sang Pháp, Tây Ban Nha chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ. Cụ cũng được xem là một nhà hành chính có tài ứng biến, một chính khách có tầm nhìn chiến lược, con người của tư tưởng canh tân giáo dục và học tập khoa học-kỹ thuật phương Tây. Từ những ngày ngồi ở tòa Kinh diên để giảng sách cho vua Tự Đức, cụ đã dám dâng sớ can gián vị vua trẻ ham chơi bỏ bê triều chính đến độ bị cách chức, đày đi khổ sai làm chân… cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông phía nam Thừa Thiên vì phạm thượng.

Con người cương trực ấy quyết không phải là người mềm mỏng kiểu “núp trong tre” như một biệt hiệu khác của cụ, Trúc Ẩn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng nhận định, “Phạm Phú Thứ xuất hiện trên sinh hoạt văn hóa cũng như công quyền Việt Nam như một hiện tượng “độc đặc” (infiriment originale) của lịch sử văn hóa Việt Nam” (Quảng Nam đất nước và nhân vật, NXB Văn hóa – 1996). Công trạng, nhân cách của cụ tưởng đã quá quen thuộc. Chỉ muốn nhắc thêm điều này, cụ Trúc Đường có lẽ nằm trong số không nhiều danh nhân được các thế hệ con cháu liên tục chăm sóc mộ phần, vun bồi niềm tự hào gia tộc. Qua hai đợt xây dựng, đại tu năm 1989 và 2007, đã có ngót 300 triệu đồng quyên góp xây dựng lăng mộ cụ. Đến nỗi, một cán bộ làm công tác văn hóa – thông tin của huyện Điện Bàn phải thốt lên thán phục: “Mỗi khi di tích xuống cấp, gia đình đã tự sửa mà không cần đến sự “động viên” của chính quyền!”.

* * *

Không có nhiều mảnh đất sản sinh và che chở cho nhiều nhân tài kiệt hiệt như vùng Gò Nổi. Trong số 8 vị có lăng mộ được xếp hạng di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia ở Điện Bàn, vùng Gò Nổi đã “chiếm” hết 4 (Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Phạm Tuấn, Phan Thành Tài). Ấy là chưa kể mộ của những nhân vật nổi danh khác như Phạm Liệu, Lê Đình Dương… Riêng Lê Đình Dương (1893-1919) – người từng được Đại hội Việt Nam Quang phục hội cử làm Tổng trấn Quảng Nam – có cha là bậc đại khoa giữ chức Thượng thư dưới triều Tự Đức; em là bác sĩ Lê Đình Thám từng được cử làm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam…

Bao nhiêu nhân tài “tề tựu” nơi đất mẹ, thâm nghiêm thay Gò Nổi!

Bài 2: Long đong nấm mộ anh hùng

Nhưng Gò Nổi đang vắng khuyết ngôi mộ một con người lẫm liệt với thuyết “Trung thiên dịch” và cuộc khởi nghĩa Duy Tân đã khắc tên ông vào lịch sử. Ngôi mộ cũng long đong như chính cuộc đời chìm nổi của Trần Cao Vân. “Thân phận” ấy còn vận vào một con người khác nữa, ở đất Tam Kỳ…

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 12, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Đà Nẵng: Xây bãi đỗ xe ngầm, lãng phí cống thoát nước

Đà Nẵng sẽ nắn tuyến cống thoát nước “vĩ đại” trên đường Hùng Vương để xây đường hầm liên thông giữa Viễn Đông Medirian và bãi đỗ xe ngầm trung tâm. Nhưng việc nắn tuyến cống này lại có nhiều hệ lụy…

HC

Chỉ vì xây vài chục mét đường hầm liên thông ngang qua đường Hùng Vương mà phải nắn tuyến hệ thống cống thoát nước "vĩ đại" nằm ngay dưới đường này liệu có thực sự cần thiết? Ảnh: HC

Nguy cơ gây lãng phí lớn

Ngày 17/7, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, theo văn bản số 162/TB-VP, lãnh đạo TP đã đồng ý với đề xuất của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông về việc điều chỉnh hướng tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương để công ty này xây dựng đường hầm liên thông giữa tầng hầm dự án Viễn Đông Meridian (cao 48 tầng và 3 tầng hầm) với bãi đỗ xe ngầm 4 tầng tại khu công viên đối diện với dự án này (tạm gọi là bãi đỗ xe ngầm trung tâm).

Theo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, kinh phí xây dựng bãi đỗ xe ngầm trung tâm, đường hầm liên thông giữa bãi đỗ xe này với tầng hầm của dự án Viễn Đông Medirian lẫn điều chỉnh hướng tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương đều do Công ty Viễn Đông đảm nhận. Nhưng như thế không có nghĩa là không cần xét đến hiệu quả lẫn những hệ luỵ của việc nắn tuyến cống thoát nước này.

Điều cần lưu ý là, tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương nằm trong khuôn khổ dự án “Thoát nước và Vệ sinh môi trường” (tổng vốn đầu tư hơn 41 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ), có quy mô rất lớn với khẩu độ gần bằng cả… bề rộng mặt đường Hùng Vương, thậm chí ô tô con có thể đi lọt trong lòng cống.

Đây là một trong những tuyến cống thoát nước trung tâm mới được đưa vào hoạt động cách đây vài năm. Việc lãnh đạo Đà Nẵng cho phép điều chỉnh hướng tuyến cống thoát nước này để phục vụ xây dựng các bãi đỗ xe ngầm một lần nữa cho thấy, tầm nhìn quy hoạch đô thị ở đây quả thật hạn chế, nhất là đối với khu vực trung tâm TP. Quy hoạch không đi trước một bước mà hầu như chỉ chạy theo tiến độ các công trình và những vấn đề phát sinh từ sự xuất hiện các công trình đó!

Hiện chưa rõ việc “nắn tuyến” theo chủ trương này sẽ thực hiện ra sao, vì vẫn đang được phía Công ty Viễn Đông nghiên cứu. Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu về hạ tầng đô thị khu vực trung tâm TP Đà Nẵng thì khả năng lớn nhất là đoạn cống thoát nước đường Hùng Vương ngang qua khu vực dự án Viễn Đông Medirian, từ ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Chí Thanh đến ngã tư Hùng Vương – Yên Bái, sẽ bị cắt.Thay vào đó, cống thoát nước trên tuyến đường này khi đến ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Chí Thanh sẽ phải rẽ theo đường Nguyễn Chí Thanh, tiếp đó hoặc là rẽ theo đường Nguyễn Thái Học, hoặc là rẽ theo đường Phan Đình Phùng, sau đó lại rẽ theo đường Yên Bái đến ngã Yên Bái – Hùng Vương rồi mới tiếp tục nối vào đoạn cống đã có trên đường Hùng Vương hướng về phía sông Hàn!

Cũng có thể sau khi rẽ qua đường Nguyễn Chí Thanh, cống thoát nước này hoặc theo đường Phan Đình Phùng, hoặc theo đường Nguyễn Thái Học đi thẳng xuống phía sông Hàn. Nhưng như thế có nghĩa sẽ… lãng phí toàn bộ đoạn cống thoát nước đường Hùng Vương từ ngã tư Hùng Vương – Yên Bái xuống tới bờ sông Hàn vốn mới khai thác chưa được mấy năm!

Và những hệ lụy đang đặt ra

Mặt khác, nếu theo đường Phan Đình Phùng để thẳng xuống phía sông Hàn, thì việc xây dựng cống thoát nước mới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của một bên là trụ sở Thành ủy Đà Nẵng và bên kia là khu phức hợp Indochina Tower mới khai trương chừng một tháng. Còn nếu theo đường Nguyễn Thái Học đi xuống phía sông Hàn thì sẽ gây ảnh hưởng cho hàng trăm hộ kinh doanh trên tuyến đường này và đặc biệt là khu vực bên hông chợ Hàn, một trong những chợ lớn nhất Đà Nẵng!

Tất nhiên, có làm thì sẽ có ảnh hưởng, nhưng vấn đề đặt ra là liệu hiệu quả đem lại từ việc làm đó có đủ tương xứng với những ảnh hưởng mà nó có thể gây ra?

Qua mô tả sơ bộ như trên có thể thấy, chưa kể bãi đỗ xe ngầm trung tâm thì kinh phí dành cho xây dựng đường hầm chỉ vài chục mét liên thông giữa bãi đỗ xe này với tầng hầm dự án Viễn Đông Medirian sẽ cực kỳ lớn vì phải bao gồm luôn kinh phí nắn tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương bằng cách xây dựng tuyến cống mới chạy… lòng vòng!

Thế nhưng, liệu việc nắn tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương có cần phải được sự đồng ý của Ngân hàng Thế giới, vì công trình này nằm trong khuôn khổ dự án do họ tài trợ và việc nắn tuyến sẽ dẫn tới sai lệch so với thiết kế đã được duyệt?

Mặt khác, với hướng tuyến mới nhiều khả năng sẽ “gấp khúc” vì phải đi qua nhiều tuyến đường khác, khả năng thoát nước của hệ thống cống đường Hùng Vương liệu có đảm bảo, hay sẽ ách tắc và làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng cục bộ ở khu vực trung tâm Đà Nẵng, nhất là vào mùa mưa?… Trong khi đó, như VietNamNet từng có bài phân tích, ngoài việc chỉ có thể kết nối với tầng hầm của Viễn Đông Medirian (do có chung một đơn vị thiết kế và dự án này vẫn chưa khởi công nên còn có thể điều chỉnh cho phù hợp) thì bãi đỗ xe ngầm trung tâm không có khả năng liên thông với tầng hầm của các dự án cao tầng khác ở ngay gần đó như DaNang Center (4 tầng hầm), Golden Square (2 tầng hầm)… vốn đã khởi công xây dựng.

Vì lẽ đó, hiệu quả hoạt động của bãi đỗ xe ngầm trung tâm là điều mà chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần xem xét.

Nhiều khả năng bãi đỗ xe ngầm này chủ yếu chỉ tiếp nhận trực tiếp xe từ trên đường xuống, chứ không thể đáp ứng cho việc điều chuyển lưu lượng xe giữa các bãi đỗ xe ngầm của các dự án cao tầng trong khu vực bằng các tuyến giao thông ngầm. Do đó, hiệu quả giảm áp lực quá tải phương tiện giao thông cho các trục đường ở phía bên trên sẽ không cao.

Thế nên, chỉ vì xây dựng mỗi đường hầm liên thông giữa bãi đỗ xe ngầm trung tâm với tầng hầm của dự án Viễn Đông Medirian mà phải dẫn tới nắn hướng tuyến cống thoát nước đường Hùng Vương, kéo theo đó là hàng loạt sự xáo trộn khác, không chỉ có thể kém hiệu quả kinh tế, thậm chí lãng phí, mà còn gây ra lắm thứ hệ luỵ phức tạp cho khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng vốn có mật độ dân cư, giao thông và nhiều kết cấu hạ tầng khác dày đặc.

Và thường thì người dân chính là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của những hệ luỵ đó!

Hải Châu (Theo VietNamNet)

Tháng Bảy 18, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Hành trình trở về đất Quảng

Hình ảnh “Ngày quyên góp” trên trang web của Đài Truyền hình KBS - Hàn Quốc

Con đường đất gồ ghề ở xã Duy Thành (Duy Xuyên) bây giờ đã thành đường bê tông chạy giữa ruộng lúa xanh mướt. Còn nhớ, cách đây một năm, khi chia tay người dân ở xã Duy Thành, đoàn thanh niên tình nguyện Việt – Hàn đã có lời hẹn quay trở lại. Và họ đã giữ đúng lời hứa. Tháng 7, họ quay về. 30 thành viên, những người cũ và những người mới với “Hành trình Camp 2008” lại bắt đầu ở xã Duy Nghĩa với một cái tên quen thuộc “Con đường hòa bình dẫn đến hòa giải”.

Ngày quyên góp

Đó là một ngày lựa chọn trong tháng 5 trước khi kế hoạch chi tiết cho “Hành trình trở về đất Quảng” của tổ chức Nawauri gửi cho các cộng sự ở TP. Hồ Chí Minh – Việt Nam. Và các thành viên của Goodwill Việt Nam – nhóm công tác xã hội thiện chí ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu lời kêu gọi tham gia vào hành trình này từ mấy tháng trước.

Năm nay, ngày 31-5 là Ngày quyên góp diễn ra tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc các thành phần tham gia không giới hạn: người Việt ở Hàn, du học sinh và những người Hàn Quốc có tình cảm đối với Việt Nam… Vé vào cổng với giá 1.000 won do thời giá ở Hàn Quốc cũng đang tăng vọt nhưng lượng vé bán ra vẫn không đủ cho những người đăng ký từ trước. Tất cả số tiền bán vé cùng những khoản “lời lãi buôn bán” như một hội chợ ẩm thực trong chương trình giao lưu sẽ được ủng hộ cho chương trình giao lưu thanh niên hòa bình Việt – Hàn năm 2008. Trên kênh radio của Đài Truyền hình quốc gia Hàn Quốc – KBS, cũng đưa thông tin này để nhân rộng sự ủng hộ cho tổ chức Nawauri – tổ chức phi chính phủ có mối quan tâm đặc biệt về Việt Nam. Anh Cho Jin Suck – Trưởng đoàn Hàn Quốc kể lại những ngày hè sôi động ở thủ đô Seoul bằng một giọng hồ hởi.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 31-5 cũng là ngày cuối cùng lên danh sách các thành viên tham gia vào chuyến Camp 2008 của tổ chức Goodwill. Như mọi năm, 15 bạn, chủ yếu là sinh viên đại học, đăng ký tham gia từ những ngày vừa kết thúc kỳ học. Những ngày tháng 7 là những ngày đáng nhớ nhất khi đoàn thanh niên tình nguyện hòa bình Việt – Hàn cùng sống, cùng ở cùng làm với người dân địa phương ở Quảng Nam.

Con đường hòa bình dẫn đến hòa giải

Lao động cùng nông dân địa phương

Bảy năm, bảy lần trở về đất Quảng là bảy chặng đường nối dài từ lớp thanh niên này sang lớp thanh niên khác. Những khuôn mặt đã quá quen với vùng đất Quảng Nam tự nhận mình giống như những đứa con xa nhà mong mỗi năm lại về làm chút gì đó cho quê hương. Chị Won Sun A, người đã ba lần liên tiếp tham gia hoạt động tình nguyện ở Quảng Nam bây giờ đã có thể nói tiếng Việt với người địa phương một cách sành sỏi. Kể về lịch sử xã Duy Nghĩa trong những năm lính Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Rồng Xanh đổ bộ vào Việt Nam, chị Sun A thông dịch lại cho đoàn Hàn Quốc: “Nơi này cũng như rất nhiều nơi mà trước đây đoàn tình nguyện của chúng ta đã đến phải chịu nhiều ký ức đau đớn. Những người dân ở địa phương không thể nào quên được ngày tháng kinh hoàng đó. Và chúng ta tuy không chứng kiến nhưng cũng không được phép quên. Không phải để gợi lại nỗi đau quá khứ mà chúng ta về đây như trở về nhà, để nhìn cuộc sống được thay da đổi thịt. Và đoàn tình nguyện chúng ta làm hôm nay: đắp lại những con đường dang dở bằng mong muốn hòa bình của thế hệ thanh niên Hàn Quốc và Việt Nam”.

Một tuần lao động dưới trời nắng như đổ lửa, ai cũng đen nhẻm. Đặc điểm của Duy Nghĩa là những đoạn đường đầy cát, chỉ có mỗi phương tiện là lội bộ. Gần đó là mấy tấm bia sơ sài và còn nguyên một khu mộ tập thể của những người dân vô tội bị tàn sát năm xưa. Cùng với dân địa phương và đoàn thanh niên của xã Duy Nghĩa, đoàn tình nguyện đã góp phần biến đoạn đường đất cát thành đường bê tông bằng phẳng như mong ước của bao người. Bàn tay cuốc đất, bàn tay lấp đá, vừa làm các bạn vừa ngọng nghịu hát những bài hát bằng tiếng Việt chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn nghệ hàng đêm.

Những bờ vai san sẻ

Ngẫu hứng sau giờ lao động.

Dưới bóng mát của hàng phi lao, câu chào nhau tiếng Hàn và xin lỗi tiếng Việt được các bạn học hỏi rất nhanh. Và có những người bạn cũng thật đặc biệt khi tham gia chương trình Camp. Anh Jun Hong Kyu liên tục ghi lại những hình ảnh trong chiếc máy quay nhỏ. Anh là phóng viên tự do ở Hàn Quốc, trước đây, khi còn làm cho Đài Truyền hình KBS, Jun biết đến Việt Nam qua tổ chức Nawauri. Hè này, anh tham gia lao động tình nguyện cũng là để ghi lại những thước phim tư liệu và cho biết, khi về Hàn Quốc sẽ vận động thêm nhiều người tham gia. Hay như Yoon Kyung Mi đang định cư tại Mỹ, thông qua một mẩu tin trên chương trình radio tiếng Hàn, cô nữ sinh trung học này đã đăng ký tham gia tình nguyện. Kyung Mi tâm sự: “Trong bất kỳ chương trình học nào cũng có rất nhiều chuyến đi thực tế. Nhưng đây là chuyến đi rất có ý nghĩa. Em học được nhiều điều từ lịch sử Hàn, lịch sử Việt và nhiều điều từ đời sống cũng như những người bạn Việt Nam đã san sẻ với mình”.

Thu Thuỷ – sinh viên Đại học Huflit cho biết: “Em học chuyên ngành tiếng Hàn nên đây còn là cơ hội để em giao lưu và rèn luyện cùng các bạn thanh niên Hàn Quốc. Hơn nữa, về với vùng đất nghèo mà anh hùng như Quảng Nam làm sinh viên tụi em thấm thía hơn những giá trị mà ngày xưa cha ông đã chịu đựng để có ngày hôm nay”.

Trong đoàn đặc biệt có anh Yun Gi Huyn. Bị mất một cánh tay nhưng Gi Huyn có lẽ là thành viên hăng hái nhất trong lúc lao động làm đường. Anh làm được bất kỳ công việc nào và không hề e ngại sự khuyết tật cũng mình. Gi Huyn luôn chứng tỏ cho người khác thấy sự nhiệt tình và khả năng tự lập của thanh niên khi tham gia lao động tình nguyện. Hay như tâm sự của Hyun Woo trong lúc sinh hoạt “Working Group” (làm việc theo nhóm) cho biết: “Trong gia đình tôi có chị dâu là người Việt Nam, và thực sự gia đình rất thương yêu chị như ruột thịt. Vấn đề “cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc” là điều đáng tiếc nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp khác như gia đình chúng tôi chẳng hạn. Và tôi tham gia cùng Nawauri để san sẻ nhiều hơn với các bạn Việt Nam”.

Một tuần là khoảng thời gian ngắn nhưng đủ để thấy ý nghĩa mà các bạn thanh niên hòa bình Việt – Hàn để lại cho vùng đất Duy Nghĩa. Những món ăn Hàn Quốc được các bạn thết đãi dân làng, những câu dân ca cổ Hàn được biểu diễn hay những củ khoai lang nướng thơm lừng dưới gốc dương mà các cô cậu bé ở địa phương mang đến cho đoàn là những ký ức khó quên. Trước khi chia tay địa phương, chị Won Sun A cho biết, Hội Y tế của tổ chức Nawauri sẽ tiếp tục tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở Quảng Nam. Và đây cũng là một trong những chương trình dài hơi mà Nawauri luôn muốn thực hiện ở Việt Nam.

ANH TRÂM (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Bảy 15, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

    Bài kế »