XỨ QUẢNG

Phan Tộc Kỷ Yếu – Chương Một: NGUỒN GỐC TỘC PHAN

CHƯƠNG MỘT

 NGUỒN GỐC TỘC PHAN

NGÀI THỦY TỔ RỜI NGHỆ AN VÀO NAM

Ngài PHAN NHƠN BÀN, Thủy Tổ tộc Phan làng Bảo An, tổng Đa Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam – dưới chính thể CHXHCN Việt Nam là thôn Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – là người làng Ao Giản, phủ Đức Quang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An sau thuộc tỉnh Hà Tĩnh từ đời Minh Mạng thứ 12  ( 1831 ) .

Ngài là cháu đời thứ 6 của Ngài Nghệ An Trại Chủ  làm quan dưới đời nhà Trần. Ngài Nghệ An Trại Chủ sinh ra Ngài Quang và Ngài An. Ngài Đa Lôi là con trai thứ 4 của Ngài Quang. Ngài Đa Lôi sinh Ngài Đa Lư, ngài Đa Lư sinh ngài Nhơn Huyện. Ngài Nhơn Huyện sinh Ngài Nhơn Bàn.

Năm Hồng Đức nguyên niên (1470) vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, lấy đất Đồ Bàn bèn sáp nhập đất này với đất Chiêm Động và Cổ Lũy lập đạo thứ 13 là Quảng Nam gồm 3 phủ và 9 huyện, đặt quan trấn thủ và ra lệnh di dân từ các tỉnh Thanh, Nghệ vào khai khẩn vùng đất mới này. Áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông” bao gồm cả lính và dân;  quân lính, ngoài việc giữ gìn trị an  còn hợp với nhân dân khai phá đất đai, mở rộng diện tích canh tác đồng thời lo việc phòng thủ biên cương. Ngài Thủy Tổ Phan Nhơn Bàn lúc bấy giờ đã là một võ quan trong đoàn quân Nam tiến trấn giữ Quảng Nam.

Theo lệnh vua ban, Ngài Phan Nhơn Huyện đưa vợ con vào Nam lập nghiệp. Ngài cùng 2 Ngài Nguyễn Liệt và Ngô Bồ kết làm bằng hữu. Trước tiên, 3 Ngài cùng nhau khai khẩn một vùng đất hoang được chừng 50 mẫu ta, nằm về phía bắc sông Thu Bồn 3 cây số, lập nên ấp Hòa Đa. Sau khi ổn định công việc và đặt người canh thủ, 3 Ngài lại tiếp tục đi tìm vùng đất mới, quyết tâm xây dựng một cơ nghiệp to lớn lưu lại cho con cháu muôn đời về sau. Qua sông Thu bồn, bên bờ phía Nam, ba Ngài tìm được một vùng  hoang vu nhưng đất đai màu mỡ, cây cỏ xanh tốt, khí hậu trong lành, ba ngài dừng lại và bắt tay vào công việc khai hoang vỡ hóa. Vượt qua mọi gian nguy khổ cực, chịu trăm bề thiếu thốn, ba Ngài ra sức khai khẩn thêm được  vùng đất mới này.

Nhưng rồi theo lệnh vua, ngài Nhơn Bàn đưa quân ra Bắc để gia nhập vào đoàn quân dẹp giặc, ổn định bờ cõi phía Tây. Bằng vào những công lao to lớn của Ngài đối với triều đình, với đất nước, vua sắc phong cho Ngài chức Đặc Tấn Phụ  Quốc Thượng tướng quân Cẩm Y Vệ Đô Chỉ Huy Sứ với tước hiệu cao quí Địch Nghĩa Bá .

Đất Quảng Nam là cửa ngõ phía Nam của Đại Việt, là đất có đông di dân nhất thời bấy giơ, đồng thời là vùng lãnh thổ trọng yếu giáp ranh với nước Chiêm Thành nên cần phải có một đạo quân hùng mạnh để giữ gìn an ninh cho dân được yên tâm lập nghiệp. Một lần nữa, đoàn quân của Ngài Nhơn Bàn  lại được vua phái vào đây với hai trọng trách :

– Giữ cho tình hình được yên ổn để bảo đãm cho việc khai khẩn đất hoang đạt kết quả tốt .

– Tranh thủ cho quân lính hợp sức với nhân dân ra công khai thác đất đai, mở rộng  phạm vi canh tác.

Sau bao năm xa cách vì mãi theo việc quân, việc nước, khi trở lại đất Quảng, về thăm gia đình thì mới hay thân phụ đã qua đời khi chí nguyện chưa thành, cơ nghiệp còn đang dang dở. Tuy còn ở trong quân ngũ nhưng Ngài vẫn nối chí cha, bèn cùng với hai bạn thân của cha, tiếp tục khai phá mở rộng diện tích đất đai được trên 500 mẫu ta. Một vùng đất rộng lớn đã biến thành ruộng vườn. Đất đai đã có, dân cư đã tăng, ba Ngài Phan, Nguyễn, Ngô xin thành lập xã. Xã hiệu đầu tiên là Phi Phú kiêm cả đất Hòa Đa.

Trải qua bao triều đại, xã hiệu đã nhiều lần thay đổi. Xã hiệu Bảo An là xã hiệu cuối cùng còn dùng cho đến ngày nay.

Suốt trong chiều dài lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, trong công cuộc mở nước và dựng nước, quân dân ta đã đổ không biết bao mồ hôi xương máu mới có được một biên cương rộng lớn như ngày nay. Áp dụng chính sách “động vi binh tịnh vi dân”, Thủy Tổ chúng ta lúc còn làm quan đã hết lòng chăm lo việc nước, việc dân và tích cực trong việc khai hoang lập xã qui dân. Công của Ngài thật vô cùng to lớn. Mỗi tấc đất của Bảo An phần lớn đều do công sức và mồ hôi của các vị Tổ Phan, Nguyễn, Ngô tạo nên. Để tưởng thưởng cho các thần dân có công trong việc qui dân lập xã, năm thứ 9 đời  Khải định ( 1924 ) vua đã ban sắc  Phong Thần cho ba Ngài Phan, Nguyễn, Ngô là “Dục Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần” và sức cho làng Bảo An chăm lo thờ phụng ba Ngài.

Để ca tụng công lao to lớn của Ngài Thủy Tổ hai lần từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc rồi lại vào Nam; để tưởng nhớ công đức cao dày của Ngài trong việc gây dựng cơ đồ truyền lưu cho con cháu, ông cha chúng ta đã khắc hai câu liễn bằng chữ Hán :

Nam thổ trùng lai vị quốc vị dân công mạc đại

Phong sào triệu ứng nhi tôn nhi tử đức miên trường”  [1]

Ngài Phan Nhơn Bàn kết duyên cùng bà Dương thị Thảo, sinh hạ được 7 người con trai và 3 người con gái. Hai người con trai thứ 3 và thứ 7 chết sớm. Năm người con trai còn lại là Thế Tổ của 5 Phái. Ngài được suy tôn là Thủy Tổ tộc Phan Baỏ An và được kể là đời Thứ Nhất. Ngài Phan Nhơn Huyện được suy tôn là Ngài Sơ Tổ.

Ngài Thủy Tổ mất ngày mồng 6 tháng 10 Âm lịch và bà Thủy Tổ mất ngày mồng 4 tháng 7 Âm lịch.

——————————

Sơ đồ Nguồn gốc Tộc Phan (chờ up lêm)

LÀNG BẢO AN

( Bản đồ Baỏ An vẽ năm 1934 ) chờ up lên

a/ Bảo An qua các thời đại :

Bảo An là một trong 24 làng cũ của khu Gò Nổi, nay gồm 3 Xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong. Xã hiệu đầu tiên của Bảo An là Phi Phú. Theo thời gian, qua nhiều triều đại, tên làng đã thay đổi nhiều lần :

– Từ Phi Phú đổi thành Phú An Đông xã và Phú An Tây xã.

– Thời Tây Sơn đổi thành Phú An Đông,Tây nhị Ấp.

– Thời Minh Mạng thứ 17(1831) đổi thành Báo An Đông, Tây nhị xã.

– Bảo Đại thứ 14 năm Đinh Sửu (1937) đổi thành Bảo An Đông xã và Bảo An Tây xã.

– Dưới chính thể VNDCCH xã đổi thành Hoàng Diệu, gồm các thôn: Bảo An, Xuân Đài, Phi phú (Bến Đền Tây) và Ân Phú (Bến Đền Đông).

– Dưới chính thể VNCH (1954-1975), xã  Hoàng Diệu đổi thành xã Phú Tân, gọi Thôn là Ấp.

– Dưới chính thể CHXHCN/VN, Bảo An là một thôn của Xã Điện Quang. Xã Điện Quang gồm có 9 thôn : Vân Ly, Thạnh Mỹ, La Kham, Tư Phú, Bảo An, Phi Phú, Ân Phú, Xuân Đài và Ấp Nam Kỳ Lam.

Trong thời điểm Baỏ An chia thành 2 xã Bảo An Đông và Bảo An Tây, lẽ đúng ra thì dân của Tộc thuộc xã nào phải ở ngay trên đất của xã ấy; nhưng ở Bảo An không thể thực hiện được điều này vì ruộng đất đều do công sức của tổ tiên các dòng tộc đã cùng nhau khai khẩn đều trở thành công điền công thổ. Đã từ lâu con cháu các tộc họ ở xen lẫn với nhau cùng khắp trong xã, không phân biệt trên dưới, đông tây. Vì thế 2 xã Bảo An Đông và Bảo An Tây chỉ có trên mặt giấy tờ. Giữa 2 xã không có một lằn ranh giới hay một cây trụ mốc nào làm giới hạn. Việc chia xã chỉ còn là việc chia hai dân số các Tộc họ. Các Tộc đã thỏa thuận với nhau :

– Bảo An Đông gồm có các Phái, Tộc : Phái 1, 3, 4 &5 của tộc Phan + Phái 1 & 2 của Tộc Thái + Phạm viết, Phạm Đào, Phạm …

+ tộc Bùi.

– Bảo An Tây gồm có các Phái, Tộc : Tộc Nguyễn + Tộc Ngô + Phái 2 tộc Phan + Phái 3 & 4 tộc Thái + tộc Lương + tộc Huỳnh.

Việc phân chia chỉ nhằm mục đích cân bằng dân số cho hai xã nên Phan Phái Nhì và Phái 3 & 4 tộc Thái phải thuộc về Bảo An Tây. Dân làng nhờ ở xen lẫn với nhau nên không phân biệt người làng Đông người làng Tây. Họ luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, huởng chung quyền lợi như nhau do đó tình tương thân tương ái được  thắm thiết bền chặt giữa những người tuy khác tộc, khác làng. Các Phái như Phái Nhì tộc Phan, phái Ba, Phái Tư tộc Thái về làm dân Baỏ An Tây nhưng con cháu các Phái này không tự xem mình là một dòng tộc biệt lập. Câu liễn thờ tại Nhà thờ Phan Phái Nhì đã nói lên điều đó :

” Vô phân Đông Tây, thủy tổ Vinh dương nguyên nhứt mạch.

Thái như bàn thạch, địa bằng sản khái trí thiên thu “.

Có nghĩa là :

” Không phân biệt Đông Tây, từ xưa Vinh Dương chỉ có một mạch nguồn.

 Yên ổn như đá tảng, đất rộng của cải nhiều sung túc muôn nghìn năm”.

Tóm lại, tuy phải tuân hành phép tắc của triều đình đương thời, nhưng Tiền nhân chúng ta vẫn luôn luôn xem trọng nghĩa tình, giữ vững tinh thần đoàn kết gắn bó giữa những người cùng một quê hương. Không vì chia Xã, chia tộc, chia Phái mà mất đi cái tình cảm thiết tha sẵn có giữa người làng Đông và người làng Tây.

b/ Vị trí, giới hạn, diện tích, địa thế :

Bảo an nằm trong khu Gò Nổi gồm 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sông Thu Bồn chảy đến Vân Ly tách ra một nhánh gọi là Sông Con chảy dọc theo ranh giới 2 huyện Duy Xuyên và Điện Bàn. Đến Xuyên Trường nhánh Sông Con lại nhập lại với giòng Sông Cái rồi chảy thẳng ra cửa Đại Chiếm. Bảo An nằm về phía Tây Nam Đà Nẵng và cách Đà Nẵng chừng 37km, theo đường bộ.  Muốn đến Bảo An ta có thể đi theo đường bộ hoặc bằng xe lửa. Nếu đi đường bộ, từ Đà Nẵng đi theo quốc lộ 1A, qua khỏi cầu Câu Lâu khoảng 600m, rẽ phải theo đường huyện lộ đến Cầu Đen khoảng 2km. Từ Cầu Đen đến địa đầu Bảo An khoảng 11km. Nếu đi bằng xe lửa, xuống ga Xuân Đài ( bây giờ là Ga Gò Nổi ) đi Bảo An 1km. Trước năm 1945, ngoài đường bộ và đường xe lửa còn đi đường thủy bằng ghe.

Làng Bảo An, phía Tây giáp 3 làng Thạnh Mỹ, La Kham và Tư Phú, phía Đông giáp Xuân Đài và Ấp Nam Kỳ Lam. Phía Bắc giáp sông Thu Bồn, phía Nam giáp Bến đền Tây (Phi phú).

Làng rộng trên 500 mẫu ta, không kể ấp Hòa Đa. Theo bản đồ địa chính vẽ năm 1934 tỉ lệ xích 1/2000, được thu nhỏ lại 6 lần thành  TLX : 1/12000 ta có thể tính được diện tích làng Baỏ An một cách tương đối chính xác như sau : 

– Khoảng cách trên bản đồ từ Đông sang Tây đo được : 245 mm.

* Khoảng cách thật : 245mm x 12000 = 2940m.

– Khoảng cách  trên bản đồ từ Bắc sang Nam đo được trung bình (215mm + 170mm + 185mm )/3 = 190mm.

* Khoảng cách thật : 190mm x 12000 = 2280m.

Diện tích : 1m2 x 2940 x 2280 = 6.703.200 m2 # 670 ha.

Ranh giới phía Bắc là con sông Thu Bồn. Nước sông chảy xiết. Hằng năm, nước lũ xói mòn làm sụp lở đất đai màu mỡ ở ven sông phía hữu ngạn và bồi vào phía tả ngạn thuộc phần đất làng Long Hội (Điện Thọ). So sánh 2 bản đồ 1934 và 1977, ta thấy đất đã lở vào quá khu mộ Tiền Hiền Phan, Nguyễn, Ngô; tức là quá 1/2 làng cũ. Bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, làng đã mất đi 1/2 diện tích kể từ khi mới khai phá, nhưng bù lại, lũ lụt cũng mang phù sa bồi đắp tạo cho đất đai thêm màu mỡ. Từ nguyên nhân nói trên nên diện tích đất làng luôn luôn biến động, không thể nào có được một số đo chính xác. 

Đất làng chia thành 2 phần theo chiều dọc từ Đông sang Tây, đất  canh tác và khu thổ cư. Đất canh tác nằm về phía Bắc của làng, tiếp giáp với sông Thu, chia thành nhiều dây. Mỗi dây chia thành mẫu, sào có tên gọi riêng cho từng xứ đất như xứ Cồn Gạch, cồn Cây Da, Bàu Lác, Bàu Phủ, xứ cây Gạo v.v…Đất thổ cư chia thành từng ô bởi đường cái lớn và các đường kiệt nằm ngang Bắc Nam. Con đường cái Đông Tây xuyên qua làng nằm cạnh ranh giới phía Nam. Đường đất thẳng, rộng luôn luôn râm mát  nhờ những bóng cây hai bên vệ đường. Những con đường kiệt theo hướng Bắc Nam thẳng góc với đường cái, chạy song song với nhau ra tận cánh đồng cho đến bờ sông. Từ đầu làng đến cuối làng có cả thảy 10 con đường kiệt. Giữa hai đường kiệt là một xóm. Những con đường nhỏ song song với đường cái nối liền các kiệt và xóm tạo cho việc đi lại dễ dàng, thông suốt và tiện lợi. Tất cả các con kiệt đều rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ chạy giữa hai bờ tre xanh tươi tốt quanh năm. Mỗi đường kiệt đều có lối đi riêng cho người và cho trâu bò. Nhờ thế mà mùa mưa việc đi lại thuận lợi, không phải lội bì bõm trong bùn lầy lội.

Tất cả Đình, Chùa, Nhà Thờ Tộc, Phái đều xây dọc theo đường cái , mặt trông về hướng Nam. Đình ở giữa làng (6). Phía đông đình là trường học (7), phía tây đình là khu Chợ (5) . Hai bên đường, ngang qua chơ, là hai dãy dài các tiệm buôn bán và các quán ăn. Tất cả đều tường vôi mái ngói. Ban đêm nhiều tiệm thắp đèn “măng sông” sáng trưng. Cách bố trí, sắp đặt khu dân cư, phố chợ, trường học, sân vận động mang tính khoa học và thẩm mỹ đã tạo cho làng quê Baỏ An một quang cảnh thiên nhiên rất văn hóa. Lối qui hoạch này chứng tỏ một cách hùng hồn  Tổ tiên chúng ta là những người tài giỏi về mặt tổ chức và xây dựng.

c/ Kinh tế :

Hằng năm đến mùa nước lũ, đất đai ở ven sông bị sụt lở. Đất canh tác dần dần thu hẹp. Dân số, ngược lại ngày một gia tăng. Sản phẩm thu được từ đất đai không còn đủ cung ứng cho nhu cầu về đời sống của nhân dân. Dân làng buộc phải chuyển hưóng sang làm các ngành nghề thủ công khác; tỉ lệ những người làm ngành này chiếm trên 80%. Các nghề dệt vải, dệt lụa, ươm tơ, làm đường mía và nhiều nghề khác ngày càng phát triển.

Về nông nghiệp, ngoài một số ít trồng lúa, người nông dân chuyên canh về trồng dâu, trồng bông, trồng mía nhiều hơn các loại hoa màu khác để phục vụ cho nghề dệt và làm đường. Nghề dệt được phát triển liên tục quanh năm, sản xuất ra các mặt hàng từ sợi bông như vải ta,vải mùng, xi ta. Từ sợi tơ tằm có lụa, lảnh, tussor thao, đũi. Suốt ngày đêm tiếng thoi đưa từ các khung cửi vang vọng trong các thôn xóm rộn ràng, reo vui cho ta cái cảm tưởng cả làng là một khu công nghiệp. Sự khéo tay, cần mẫn của người thợ dệt Bảo An đã từng nổi danh khắp vùng:

” Tiếng đồn con gái Bảo An,

Khéo mua sợi nhỏ về đan mành mành”.

Hàng dệt Bảo An đã một thời nổi tiếng trong nước và được đưa đi bán ở các thành phố lớn như Hà Nội, Vinh, Huế, Sài Gòn, Nam vang (Campuchia). Bên cạnh nghề dệt là nghề mộc chuyên đóng khung cửi, máy ươm tơ kéo sợi, các xa quay sợi… Ngoài ra còn có thợ nhuộm, thợ hồ nghè vải, sợi. Tất cả hợp thành một làng dệt liên hoàn khép kín. Ngoài nghề dệt còn có nghề làm đường. Mỗi năm người ta thu hoạch mía từ tháng 10 và tháng 3 Âl. Mía từ ruộng được đưa về các lò nấu đường được ép nước qua một máy ép gọi là ông che quay tròn bởi lực kéo của trâu. Nưóc mía đưa vào các chảo to để nấu đường. Qua các khâu chế biến, người thợ nấu đường đã sản xuất ra các loại đường như đường bát, đường muống,  đường cát và mật mía để nấu rượu.

Ngày còn nhỏ, mỗi lần ra lò đường, chắt các bạn đã từng được các bác các chú cho uống nước chè hai hoặc cho ăn đường non đổ vào bẹ chuối hoặc trát lên bánh tráng nướng. Cái hương vị ngọt ngào quyến rũ ấy vẫn còn đọng mãi trong lòng chúng ta cho đến cuối đời!

Đường sản xuất ra được đưa đi bán khắp các tỉnh thành thông qua đường thủy ở một bến bên bờ sông Thu; nơi đây đã trở thành một địa danh nổi tiếng là Bến Đường.

Bài thơ sau đây  cho ta biết  tổng thể về kinh tế của Gò Nổi :

“… Dòng sông lớn rẽ sang hai nhánh,

Một Duy Xuyên, một cánh Điện Bàn.

Tạo miền Gò Nổi Điện Quang,

Văn Ly, Tư Phú, Bảo An, Xuân Đài…

Tiếp vùng đất trãi dài trù phú,

Nơi đông dân cư trú làm ăn.

Trồng dâu hái lá nuôi tằm,

Ươm tơ dệt lụa tiếng tăm một thời.

Nghề dệt vải, trồng bông kéo sợi,

Tiếng thoi đưa vang vọng thôn làng.

Tăng gia trên mảnh đất màu,

Khoai, dưa, bắp, đậu, bí, bầu mướt xanh.

Vừa trồng ớt xen canh thuốc lá,

Nông sản đi khắp ngã kinh thành.

Lại còn cây mía thâm canh,

Nấu đường, lấy mật, nổi danh Bến Đường.

Dù một nắng hai sương vất vả,

Dâng cho đời thành quả ấm êm.

Chiều buông trăng rọi bên thềm,

Câu hò, tiếng hát êm đềm mộng mơ.

Ngăn dòng chảy dựng bờ xe nước,

Đưa nước vào vườn tược ruộng nương,

Dẫu cho hạn hán tai ương,

Lúa đồng vẫn tốt, cây vườn vẫn xanh.

Vờn ánh nắng long lanh đáy nước,

No cánh buồm xuôi ngược dòng sông,

Khi đi thổ sản lâm, nông,

Lúc về bách hóa, hàng công nghiệp cần…”

Việc trao đổi, mua bán hàng hóa của ngành dệt và làm đường tạo cho nền thương mãi ngày càng phát triển và phồn thịnh. Giao thông cũng góp phần quan trọng vào việc giao lưu hàng hóa. Đường cái là trục lộ chính nối liền hai đầu Gò Nổi xuyên qua Bảo An, tiếp thông với quốc lộ 1A. Phương tiện đi lại đã có xe đạp, xe kéo và xe ngựa, về sau có xe hơi. Đường xe lửa xuyên Việt chỉ cách Bảo An 1km. Đi gần thì đến ga Xuân Đài ( đã đổi là Ga Gò Nổi ), đi xa thì đến ga Kỳ Lam.

Đường thủy thì dùng thuyền để chở hàng hóa và hành khách. Bến Đường là nơi xuất phát, ngược dòng thì lên các ngỏ nguồn Nông Sơn, Tí Sé, Thạnh Mỹ, Hà Tân… , xuôi dòng thì xuống Hội An hay ra Đà Nẵng.

d/ Văn hóa, giáo dục :

Việc giao lưu hàng hóa thuận lợi, đẫy mạnh kinh tế phát triển, thương mại phồn thịnh, kéo theo giao lưu văn hóa đa phương từ các nơi, tạo thành sự văn minh tiến bộ trong cộng đồng cư dân Bảo An.

Bảo An có truyền thống hiếu học, học giỏi và có tài. Ngay từ khi thành lập xã, nhiều vị Thủy tổ các dòng tộc đã được phong tước Hầu, tước Bá… và làm quan dưới các triều đại từ thời Lê sơ cho đến nhà Nguyễn sau này. Nhờ kinh tế phát triển, thương mại phồn thịnh, rất nhiều người trở nên giàu có khá giả. Con cháu có điều kiện để theo học đến nơi đến chốn.

Dưới triều Nguyễn, Bảo An có khoảng 15 Tú tài, 18 Cử nhân và một Phó Bảng. Quan chức cấp Huyện trở lên từ Huấn Đạo, Giáo Thọ, Đốc Học, tri Huyện, tri Phủ, Lãnh Binh, An Sát … Bảo An đều có cả. Các ông quan này khi về hưu trí, hầu hết đều về sống ở làng. Họ truyền bá cho dân làng những tinh hoa của Hán học, đạo đức của Thánh hiền. Ngoài ra họ còn mang về những thuần phong mỹ tục tiếp thụ được từ cung đình cho đến các nơi họ trấn nhậm trước đây.

Từ đầu thập kỷ 20, nhiều người theo Tây học được tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sách vở, báo chí nền văn minh tiến bộ của phương Tây đem áp dụng và cách tân nếp sống ở quê nhà. Họ hưóng dẫn mọi người sống văn minh hơn như cắt tóc ngắn, vận âu phục, tham gia các phong trào xóa nạn mù chữ, kêu gọi nam nữ bình quyền… Trường Bảo An là một trường được thành lập sớm nhất trong tỉnh, khi nền Tây học bắt đầu lên cao. Có trường trong làng, không phải đi học xa tốn kém, nên con nhà nghèo cũng đi học được. Họ cố gắng học để đỗ bằng Sơ Học Yếu lược hoặc Tiểu học. Con nhà giàu có, khá giả tiếp tục theo học các trường Trung học như Quốc Học Huế, Trường Bưởi Hà Nội, trường Pétrus-Ký , Chấn Thanh, Đạt Đức Sài Gòn để lấy bằng Diplôme ( Thành chung ) hay Tú tài. Con gái cũng được đi học nhiều. Bắt đầu từ năm 1935, nhiều thanh nữ đã đỗ bằng Sơ học, Tiểu học, Thành chung. Nhiều người đã trở thành cô Giáo, cô Đỡ (Sage-femme), Y tá; đó là điều hiếm thấy ở các làng quê thời bấy giờ.

Học nhiều, đỗ đạt nhiều. Có bằng Tiểu học trở lên đã có thể là những ông Thông, ông Phán, ông Tham …Tất cả đều làm việc ở các thành phố. Nhờ có học và học rộng, họ đã tiếp thụ được những tư tưởng mới của nền văn hóa mới. Họ đã mang về làng những cái hay, cái mới lạ, cái tốt đẹp của một nền văn minh tiên tiến. Dân làng nhờ đó đã tiếp cận được văn minh Âu Tây sớm hơn các vùng quê khác.

Trên đây là một số nguyên nhân chính đã tạo nên nền văn hóa ưu việt của làng Bảo An.

Trong cuộc sống đời thường, dù một nắng hai sương vất vả ngoài đồng ruộng, hay bên khung cửi cần mẫn ngày đêm, người dân Bảo An vẫn không quên các sinh hoạt văn nghệ, giải trí, thể thao … vừa nâng cao dân trí, vừa hưởng thụ, thanh nhàn.

Văn nghệ tiếp sức cho nền văn hóa phát triển và góp phần vào việc cải tạo xã hội. Thời ấy, trong các làng quê Gò Nổi chỉ có Bảo An là có trường hát sớm nhất. Trường hát lập ở đầu làng có tên là Trường Nhàn. Các đoàn Hát Bộ, Ca Huế, Cải Lương thường về làng trình diễn. Nhiều đoàn xiếc, ảo thuật cũng thướng ghé lại Bảo An. Nhờ xem Hát Bộ, Cải Lương, dân làng không những để giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc mà còn biết được những tuồng tích, học được các gương trung hiếu, tiết nghĩa, cái nhân đức của những nhân vật trong tuồng hát. Biết phân biệt cái thiện, cái ác; con người nhờ đó trở nên thuần lương, nhân hậu hơn.

Ngoài văn nghệ còn có thể thao. Sân vận động được xây dựng ở đầu làng. Đội bóng đá được thành lập và đi thi đấu ở nhiều nơi như  Đại Lộc, Duy xuyên, Hội An  và luôn mang về thắng lợi nhờ có nhiều cầu thủ xuất sắc, trong đó có thủ môn Ba Nhành đã từng nổi tiếng trong làng bóng đá.

Bảo An được ngợi ca là đất thanh cảnh, cảnh trí thiên nhiên đẹp đẽ hài hòa, những con người thanh lịch nhàn nhã, có học vấn, có kiến thức, nhân dân có cuộc sống yên vui và sung túc.

” Cây da nào cao  hơn cây da Bàn Lãnh,

Đất mô thanh cảnh cho bằng đất Bảo An “.

Câu hát không rõ xuất xứ từ đâu, ai là tác giả ? Nhưng có một điều  chắc chắn là tác giả câu hát phải là người đã từng chu du đây đó, từng đi qua nhiều làng quê, nhất là biết rất rõ cảnh trí và con người Bảo An mới có được sự so sánh ấy.

Nói tóm lại, nền văn hóa của Bảo An được thể hiện rõ nét qua việc qui hoạch xóm làng, trong các buổi Tế Lễ tưởng niệm công đức Tổ tiên, trong cách ăn mặc, trong giao tế cũng như trong tiếp thụ có chọn lọc các phong tục tập quán cổ truyền, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rầm rộ.

Vài nét biểu tượng văn hóa điễn hình của thời kỳ ấy :

– Lễ Kỳ Yên : Lễ trọng đại nhất của dân làng được tổ chức hằng năm vào 12,13 tháng Giêng Âl để Tế Cáo các vị Tiền Hiền và cầu cho quốc thái dân an. Thật khó mô tả hết cái rực rỡ, uy nghi, long trọng và tôn nghiêm của buổi Lễ.

– Về trang phục : Vào đầu thập kỷ 30, ở Bảo An đã xuất hiện những người mặc đồ Tây (Âu phục). Đó là những ông Thông, ông Phán làm việc tại các tỉnh, thành về làng nhân ngày nghỉ; đó là những học sinh theo học các trường trung học ở các thành phố lớn về nghỉ Hè. Những bộ complet may bằng tussor do bàn tay của người thợ dệt trong làng dệt ra, thật sang trọng và lịch sự nhất thời bấy giờ. Những bộ bà ba bằng tơ lụa vàng óng trông thật quí phái, cao sang. Các thiếu nữ cũng phục sức bằng những chiếc áo dài tân thời ” Le mur ” bằng lụa, xá xị, nhiễu … đủ màu sắc, quần trắng, guốc cao gót chứ không đơn điệu trong hai màu đen trắng. Họ không còn búi tóc cao trên đầu mà để tóc xõa ngang vai hay thả dài. Họ cũng đã biết trang điểm phấn son để tăng thêm vẻ đẹp, để răng trắng không nhuộm răng đen, bỏ dần hút thuốc và ăn trầu.

– Sự giao tiếp giữa Nam, Nữ không còn quá khắc khe như trước theo giáo điều ” Nam nữ thụ thụ bất thân “. Nam Nữ đã có những buổi sinh hoạt chung, tham gia các buổi văn nghệ, thể thao …

– Những đêm trăng sáng, mát trời nhiều nhà khá giả tổ chức những buổi hát hò khoan tập thể trong những lúc nện móng làm nhà, giã gạo , giã vôi hoặc hái dâu. Trai gái hát đối đáp nhau về các đề tài nông nghiệp, đạo lý làm người, và nhất là về tình cảm lứa đôi. Vào những ngày Tết Nguyên Đán còn có hát sắc bùa theo tiếng trống cơm và sinh tiền. Đoàn hát đến từng nhà, hát chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng, làm ăn phát tài và sau khi hát xong nhận tiền lì xì của chủ gia.

Tất cả những hình ảnh, âm thanh và tình cảm có được từ vật chất đến tinh thần đã trở thành những kỷ niệm êm đềm luôn in đậm trong lòng người dân Bảo An, dù đang sống ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời gian nào.

” Sông Thu bao nước bao thương nhớ.

Gò Nổi mấy nhà mấy thiết tha.

Mía ngọt, dâu xanh, tơ lụa trắng,

Vẫn luôn hoài vọng chốn quê nhà “. [3]

SẮC PHONG TIỀN HIỀN

Trên 500 năm trước, Bảo An là vùng đất hoang vu, cỏ cây um tùm rậm rạp, nơi ẩn trú của những loài dã thú. Thế mà nhờ sức người, vùng  hoang địa nãy đã trở thành một xã với những ruộng vườn xanh tốt. Những con người bất chấp nắng mưa, chịu đựng sương lam chướng khí, gian khổ không sờn, đem mồ hôi và sự sống để  khai hoang 500 mẫu đất lập nên một xã với cái tên gọi đầu tiên là Phi Phú, đã trở thành những vị Thủy Tổ của các dòng tộc ở Bảo An ngày nay.

Theo phổ hệ của các Tộc, chúng tôi xin tóm lược lịch sử một số các dòng tộc sinh cư tại Bảo An từ khi có Xã cho đến ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1946.

Ở Bảo An trước đây có 12 dòng tộc cùng chung sống. Có tộc nhiều dân, có tộc ít dân nhưng tất cả cùng chung lo xây dựng và kiến tạo Bảo An thành một Xã trù phú và nổi tiếng nhất trong tỉnh Quảng Nam. Đó là các tộc : Phan, Nguyễn , Ngô, Thái, Phạm, Lê, Lương, Bùi và Huỳnh… Trong số này, 5 Ngài Thủy Tổ các tộc Phan, Nguyễn, Ngô, Thái và Phạm là những người đặt chân trước tiên lên vùng đất hoang sơ xa lạ này.

– Ba Tộc Phan, Nguyễn, Ngô :

Không thể viết tách riêng lịch sử của 3 dòng tộc này vì những Thủy Tổ của họ là những người sáng nghiệp của xã Bảo An. Ba Phổ hệ đều viết giống nhau về một sự kiện lịch sử : 3 Ngài là bạn kết nghĩa, cùng có chí đi tìm vùng đất mới để xây dựng cơ đồ truyền lưu cho con cháu. Câu liễn thờ treo ở Đình làng và ở 3 Nhà thờ của 3 Tộc là chứng liệu lịch sử  xác minh cho điều này :

” Bắc địa tùng vương tam kiết hữu,

Nam thiên lập xã nhất đồng công. “

Có nghĩa là: 

” Đất Bắc theo vua ba bạn thiết,

Trời Nam lập xã góp công đầu”

Theo phổ hệ, nguồn gốc của 3 dòng tộc như sau : 

Ngài Phan Tổ: Người làng Ao Giản, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An.

Ngài Nguyễn Tổ: Người Thừa Tuyên, phủ Đức Quang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An.

Ngài Ngô Tổ : Người quận Bột Hải, Diên Lăng, tỉnh Nghệ An.

Thời vua Lê Thánh Tông, tuân theo lệnh vua, 3 Ngài quyết tâm rời bỏ quê hương, đem vợ con vào Nam khai hoang lập xã. Trước tiên 3 Ngài đến một vùng phía Bắc sông Thu Bồn, khai khẩn được gần 50 mẫu ta. Sau nhận thấy nơi đây đất hẹp, người đông, 3 Ngài bèn cắt người canh thủ, đem vợ con sang sông qua phía Nam sông Thu Bồn. Tìm được một nơi điền địa hoang nhàn, cỏ cây tú mậu, 3 Ngài bèn ở lại, cùng chung sức ra công khai phá. Một thời gian sau, Ngài Phan Nhơn Huyện lâm bệnh qua đời. Con Ngài là Phan Nhơn Bàn, nối chí cha, cùng 2 vị Thủy Tổ 2 tộc trên, tiếp tục công việc khẩn hoang. Sau nhiều năm dài đầy gian lao khổ cực, gần 500 mẫu ta đất đã được khai phá. Diện tích đất này đủ để thành lập một xã. Thế là một xã mới được vẽ thêm lên bản đồ Đại Việt với cái tên gọi đầu tiên là PHI PHÚ kiêm luôn cả Ấp Hòa Đa.

Phổ hệ họ Thái và họ Phạm đều chép là Thủy Tổ của họ đã vào cùng thời với 3 Ngài Thủy Tổ họ Phan, Nguyễn, Ngô và đồng tham gia việc khai khẩn đất hoang, lập xã.

Năm Khải Định thứ 9, ba Ngài Phan Nhơn Bàn, Nguyễn Liệt và Ngô Bồ được Sắc phong là Tiền Hiền Khai Canh 2 làng Bảo An Đông và Bảo An Tây. Dưới đây là bản Sắc Phong bằng chữ Hán:

Hình sắc chờ úp lên

Phiên âm: CUNG LỤC HUY ÂM

Sắc Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Baỏ An Đông Tây nhị xã Phụng sự Tiền Hiền Khai canh PHAN NHƠN BÀN đại lang chi thần niệp trứ  linh ứng tứ linh chánh trị.

Trẩm tứ tuần đại khánh tiết  kinh tụng bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ phong vi  Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần Chuẩn kỳ phụng sự   thần kỳ tương hữu bảo ngã lê dân khâm tại.

Khải Định cửu niên thất ngoạt nhị thập ngủ nhật.

(Ấn)  Sắc Mạng Chi Bửu

Phỏng dịchSẮC LỤC PHONG TẶNG

Sắc lệnh cho tỉnh Quảng Nam, phủ Điện Bàn, hai xã Bảo An Đông và Bảo An Tây phụng thờ vị Tiền Hiền  khai canh PHAN NHƠN BÀN nổi tiếng linh ứng.

Nhân kỳ khánh tiết 40 tuổi của Trẩm theo lệ ban khen đàm ân cho tổ tông những thần dân có công, nay ban chiếu phong tặng tiên linh là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần ngỏ được thờ phụng đặng bảo vệ lê dân ta. Hãy tuân lệnh này.

Niên hiệu Khải Định năm thứ 9 ngày 25 tháng 7 năm Bính Tý.

Ấn vua : Sắc mạng chi bửu.

Nội dung 3 Sắc phong đều giống nhau, chỉ khác tên họ người được phong. Phổ hệ của 3 dòng tộc trên đã ghi :

1/ Ngài Phan Nhơn Bàn làm quan đến chức Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Đô Chỉ Huy Sứ. Địch Nghĩa Bá Phan Nhơn Bàn Quí Công. Ngài sinh hạ được 7 người con trai ( có 2 người chết sớm ) và 3 người con gái. 5 người con trai là 5 Ngài Thỉ tổ 5 Phái : Phái Nhất, Phái Nhì, Phái Ba, Phái Tư và Phái Năm.

2/ Ngài Nguyễn Liệt sinh hạ được 3 người con trai là Thỉ Tổ của các Phái : Phái Mạnh, Phái Trọng và Phái Quí.

3/ Ngài Ngô Bồ sinh hạ được 2 người con trai là 2 Ngài Tổ Phái của : Phái Đại Tông và Phái Tiểu Tông. Ngài Tổ Phái Đại Tông là Ngô Công Văn làm quan đến chức Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, tổng thống các Dinh, Phó Tướng Văn Triều Bá.

Con cháu 3 dòng tộc này rất đông, đến nay đã có đến đời thứ 19. Đời nào cũng có người hiển đạt, tham gia việc dân, việc nước. Sau chiến tranh, một số ít con chaú trở về làng cũ. Một số đông ở lại nhiều nơi trong nước, đông nhất là ở Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Lam, huyện Thăng Bình

Họ Thái : – Theo phổ hệ của họ Thái : Thỉ Tổ họ Thái người xã Đỗ Liêu, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, thời đại Lê triều Hồng Đức, chiến tranh loạn lạc, kết bạn với quí ông Phan, Nguyễn, Ngô, Phạm từ đất Bắc vào Nam năm Hồng Đức thứ 2 tháng 2, ngày mồng 2 (khoảng tháng 3 năm 1471) .Ngài Thỉ Tổ húy là Thái Đại, sinh Ngài Thái Công Hải, Ngài Thái Công Hải sinh  được 4 người con trai tức là 4 Ngài Tổ Phái ; Nhất, Nhì, Ba và Tư. Đến nay đã có con cháu đến đời thứ 17.

Tam kiết hữu – Kiết hữu Ngũ tôn :

Câu liễn treo trước tẩm thờ 3 ngài Tiền hiền tại đình làng Bảo An đã gây ít nhiều thắc mắc cho con cháu hai dòng tộc Phạm, Thái : – Tại sao công đầu lập xã chỉ có 3 ngài Phan, Nguyễn, Ngô ? Hai ngài Phạm và Thái đã cùng nếm trải những tháng năm gian lao khổ cực, đã cùng chung công góp sức trong việc phạt cỏ đốn cây, khai hoang vỡ hóa sao không thấy nói đến mà chỉ nói Tam kiết hữu, khi vua Khải Định ban Sắc Phong cho 3 ngài Phan, Nguyễn, Ngô.

Đây là sự kiện không thể không đề cập đến khi viết về các dòng tộc sinh cư trên đất Bảo An.Vấn đề ” Tam kiết hữu hay Kiết hữu ngũ tôn “, 2 Ngài Thái Tổ và Phạm Tổ có cùng đến một lần với 3 Ngài Tiền Hiền Phan, Nguyễn và Ngô không, chúng ta là những người hậu sinh không biết rõ, chỉ xin dẫn ra đây những cứ liệu rút ra từ trong các Phổ hệ các dòng tộc liên quan và những sự việc đã xảy ra chung quanh các vấn đề này trong thời kỳ ấy.

– Phổ hệ 3 tộc Phan, Nguyễn, Ngô đều chép giống nhau : 3 Ngài Phan Tổ, Nguyễn Tổ và Ngô Tổ là bạn kết thân với nhau. Ba Ngài cùng có chí khai hoang lập xã nên đã quyết tâm lìa bỏ quê hương quyến thuộc đem vợ con vào Nam lập nghiệp …Không thấy nói đến 2 Ngài Thái, Phạm.

– Phổ hệ Tộc Thái chép : Thời đại Lê triều Hồng Đức, chiến tranh biến loạn, kiết hữu ngủ tôn Phan, Nguyễn, Ngô,Thái, Phạm, tự Bắc lai Nam …

– Phổ hệ tộc Phạm chép : Dữ Phan, Nguyễn Ngô, Thái, Phạm …Không nói đến hai chữ kiết hữu.

Con cháu 2 tộc Thái, Phạm muốn có sự công nhận Thỉ Tổ của họ đã cùng lúc với 3 Ngài Phan, Nguyễn, Ngô có mặt trên vùng đất hoang sơ mà nay là làng Bảo An để xin được sắc phong thần. Thời phong kiến, các tộc Tiền Hiền có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn .Các chức Chánh, Phó Lý trưởng đều thuộc về con cháu các tộc Tiền Hiền. Con cháu các tộc khác khó mà tranh các chức vụ này ! Họ chỉ giữ những chức vụ trong hàng Ngủ hương [4]. Vấn đề này đã một thời đã làm mất đi sự đoàn kết và tình thân thiện với nhau. Nhưng tất cả rồi cũng qua đi.

Bảo An dần dần phát triển. Dân số ngày một gia tăng. Ngoài con cháu các tộc đến trước ,thêm nhiều Tộc khác đến sinh cư lập nghiệp. Con cháu họ đều trở thành dân Bảo An. Rất nhiều người hiển đạt. Họ đã cùng nhau góp phần vào việc kiến tạo một xã Bảo An trù mật, phồn vinh.

Để mọi người dân được hòa đồng trong cuộc sống yên vui, để tình đoàn kết tương thân tương ái giữa những người khác tộc cùng chung sống trên một quê hương được tha thiết đậm đà hơn, ông Cử nhân Lương Doãn Nguyên ( đỗ khoa Quí Mão năm 1903 )  đã đề nghị với 3 tộc Tiền Hiền đổi 3 chữ sau trong 2 vế của câu liễn nói trên như sau :

” Bắc địa tùng vương LONG HỮU NGHỊ ( thay vì Tam kiết hữu ).

Nam thiên lập xã TÁC DÂN SƠ.” ( thay vì Nhất đồng công )

Có nghĩa là:

Đất Bắc theo vua tình bạn bè thâm hậu,

Trời Nam lập xã làm người dân đầu.

Ba tộc Phan, Nguyễn, Ngô chấp nhận sự thay đổi này nhưng yêu cầu chỉ treo liễn này ở đình làng và tại 3 nhà thờ Phan, Nguyễn, Ngô mà thôi, vì ngài Thủy Tổ các tộc Thái và Phạm không phải là ” Người dân đầu “. Tuy đã nhất trí như vậy nhưng không hiểu vì sao, chỉ đình làng và tộc Phan thực hiện đúng như đã thỏa thuận.

Tộc Nguyễn giữ nguyên câu liễn cũ cho đến ngày nay.

Tộc Ngô  sửa 3 chữ sau của vế đầu :

“Bắc địa tùng vương thiên viễn xứ.

 Nam thiên lập xã tác dân sơ “.

 Sau năm 1975 khi tái lập nhà thờ, đã sửa lại Long hữu nghị

– Câu liễn tại nhà thờ tộc Thái :

“Bắc địa tùng vương kiết hữu ngũ tôn quang tự cổ.

Nam thiên lập xã khai cơ nhất thống hiển vu kim “.

Có nghĩa là :

” Đất bắc theo vua bạn tốt năm ông từ xưa đà sáng tỏ.

Trời nam lập xã mở nền thống nhất đến nay mãi hiển vinh “.

– Câu liễn tại nhà thờ tộc Phạm :

” Bắc địa tùng vương hoàn nghĩa chỉ,

 Nam thiên lập xã biểu nhơn cơ “.

Có nghĩa là :

” Đất bắc theo vua vẹn tròn đạo nghĩa,

 Trời nam lập xã nêu rõ lòng nhân “.

Tất cả những sự kiện trình bày trên đây đã thuộc về quá khứ xa xăm. Nhân dân Bảo An ngày nay đang viết lại trang sử mới.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Bảo An đã trở lại cái thời hoang sơ của 5 thế kỷ trước. Những gì mà tổ tiên các dòng tộc đã dày công gây dựng trước đây đã bị đạn bom hũy diệt và xóa đi tất cả không còn lại một dấu tích nào ngoài cỏ cây hoang dại. Sau ngày hòa bình vãn hồi năm 1975, mộ của các Ngài Thủy tổ có công trong việc khai hoang lập xã đã thiên đi nơi khác.

Sau chiến tranh, người dân Bảo An trở về làng cũ. Họ đã cùng nhau làm lại công việc mà trước đây trên 500 năm, Tổ tiên họ đã làm, cùng nhau chung sức khai hoang vỡ hóa, qui hoạch khu dân cư, đất canh tác và xây dựng xóm làng. Bảo An ngày nay không còn phân biệt  tộc lớn tộc nhỏ, không có tộc nào đến trước tộc nào đến sau. Bảo An là của chung của những người hiện sính sống tại đây. Tất cả đều chung lo xây dựng xóm làng ngày một thêm đẹp, thêm giàu với cái tinh thần Long hữu nghị vốn có của Tiền nhân.

 Đó là ý nguyện, là tâm niệm của người dân Bảo An vậy.

 ———————–

NGÀI TIỀN HIỀN VÀ CÁC VỊ THẾ TỔ 5 PHÁI

a/ Ngài Tiền Hiền và các vị Thế Tổ 5 Phái :

Ngài PHAN NHƠN BÀN kết duyên với bà DƯƠNG THỊ THẢO, sinh hạ được 7 người con trai và ba người con gái. Hai người con trai thứ 3 và thứ 7 chết sớm. Năm người con trai còn lại là Thế Tổ của 5 Phái.

Ngài PHAN NHƠN BÀN được suy tôn là Thủy Tổ tộc Phan Bảo An và được kể là Đời Thứ Nhất.

Các Ngài Thế Tổ :

–  Phái Nhất : Ông PHAN VĂN BÀI và bà NGUYỄN THỊ DƯ.

–  Phái Nhì   : Ông PHAN VĂN HÀNG và bà NGUYỄN THỊ ĐIÊU.

–  Phái Ba     : Ông PHAN VĂN THIỆU và bà NGÔ THỊ CẨN.

–  Phái Tư     : Ông PHAN VĂN YẾN và bà PHẠM THỊ KIỀU.

–  Phái Năm  : Ông PHAN VĂN LIÊU và bà TRẦN THỊ PHIÊN.

CÁC NGÀY KỴ TRONG NĂM :

– Ngài Thủy Tổ: Mồng 6 tháng 10 Âm lịch:

– Các Ngài Thế Tổ :

+ Phái Nhất: 25. 1. Âl.

+ Phái Nhì: 20. 7. Âl.

+ Phái Ba: 27. 8 . Âl.

+ Phái Tư: 08. 03. Âl.

+ Phái Năm: 16.10.Âl  (Giỗ chính ngày 22. 3 Âl là ngày giỗ của Bà ).

Hằng năm Tộc ta tổ chức 3 Lễ chính thức tại nhà thờ Phan Cả :

– Lễ giỗ Tiền Hiền.

– Lễ tế Xuân vào ngày Thanh Minh.

– Lễ tế Thu vào ngày Đông Chí.

Trước năm 1945, lễ giỗ Tổ và tế Thu chỉ cúng 1 con heo trên 50 kg mỗi lễ vì ít người đi dự. Lễ Tế Xuân cũng là ngày tảo mộ nhằm vào ngày Thanh Minh nên con cháu đi dự rất đông. Người đến dự lễ chỉ toàn đàn ông, dâu và con gái không được phép đi dự. Ngoài con heo cúng Tiên linh còn phải làm thêm 1 con trâu, bò và 1 hay 2 con heo nữa.

b/ Quỹ của Tộc : Chi phí dùng trong việc cúng tế lấy từ hoa lợi thu được trên mấy mẫu đất tư của Tộc. Con cháu không phải đóng góp thêm tiền.

Bảo An toàn là công điền, công thổ. Tổ tiên chúng ta, mặc dù có công lớn trong việc khai hoang lập xã nhưng không lấy một tấc đất nào để lưu lại cho con cháu làm đất hương hỏa. Để có tiền chi dùng trong việc tế lễ, tu bổ nhà thờ, mua sắm khí mãnh … Tộc ta đã tự lo lấy bằng cách mua một số đất để canh tác, thu hoa lợi.

Từ năm Tự Đức thứ 13 (1860) về trước, không rõ tiền nhân chúng ta đã lấy quỹ ở đâu để chi dùng. Nhưng từ năm Tự Đức thứ 14, tộc ta đã mua một số đất sau đây :

– Năm Tự Đức 14 ( Tân Dậu -1861) tộc mua đoạn đất tư phía tây vườn nhà thờ : 4 sào 9 thước 5 tấc.

– Năm Thành Thái thứ 18 ( Bính Ngọ -1906 ) tộc mua đoạn đất tại Thạnh Mỹ, xứ Bàu Điển : 9 sào 7 thước 5 tấc.

– Năm Duy Tân thứ 3 ( Kỹ Dậu – 1909 ) tộc mua đoạn đất tại Phú Tây, địa bộ xứ Thạnh Lợi : 1 mẫu.

Tổng cộng diện tích đất là : 2 mẫu 3 sào 17 thước thuộc quyền sở hữu của tộc.

Ngoài tiền do hoa lợi của đất cung cấp, tộc còn thu được một khoảng tiền khác gọi là ” tiền nộp lệ ” do các gia đình có con trai nộp. Nhân ngày giỗ Tổ hay Thanh Minh, gia đình nào có con trai đến 18 tuổi phải sắm một quả trầu cau, 1 chai rượu và 1 giác bạc ( số tiền này mua được 3 kg gạo ) đưa con đến nhà thờ xin  nhập Tộc.

Số người mới đăng ký nhập tộc được chia làm 3 hạng :

– Hạng biết chữ khá sẽ được làm những chức vụ như Lễ, Biện …

– Hạng biết chữ ít thì làm học trò lễ.

– Hạng không biết chữ thì làm ” dân dọn ” để nấu nướng, dọn ăn và làm các tạp dịch khác tại nhà thờ.

Năm 1976, sau khi thành lập Hợp Tác Xã Nông nghiệp, số đất tư của tộc không còn nữa. Những chi phí dùng cho việc tế lễ đều do con cháu nội ngoại – cả nam lẫn nữ – ở trong và ngoài nước đóng góp. Tất cả đều do sự thành tâm tự nguyện của con cháu, không có một bắt buộc nào của tộc cả.

Hằng năm vào ngày Thanh minh con cháu Nội Ngoại các nơi trong và ngoài nước đều về tham dự đông đủ. Sau buổi Lễ là sinh hoạt của Tộc họ, con cháu có dịp thăm hỏi, hàn huyên thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó trong gia tộc. Trong dịp này mọi người đi thắp hương, viếng thăm các phần mộ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân trong gia đinh. 

Các ngày giỗ các Ngài Tổ Phái cũng được tổ chức theo từng Phái tại Nhà thờ Tộc Cả. Riêng Phái Nhì đã xây dựng Nhà Thờ Phái nên ngày giỗ Ngài Tổ Phái được tổ chức  tại Nhà thờ Phái Nhì.

Tại Tp.HCM, Lễ Thanh Minh, giỗ Ngài Tiền Hiền và những ngày giỗ các Ngài Tổ Phái được tổ chức tại nhà thờ Bình Triệu, 23A  Ấp Bình Triệu, xã Hiệp Bình Chánh, Ql 13, Thủ Đức.

Tại Đà lạt, trong lúc chờ xây dựng Nhà thờ, các ngày giỗ được tạm thời tổ chức tại nhà ông Phan Việt (Ba Việt 4/14 ) – đường Phù Đổng Thiên Vương. Năm 1999, sau khi xây dựng nhà thờ, các ngày giỗ đã được tổ chức tại Nhà thờ.

Dù đang sinh sống bất cứ nơi đâu, con cháu Tộc Phan Bảo An vẫn luôn luôn nhớ về cội nguồn của mình và nhất là không bao giờ quên các ngày giỗ tưởng niệm công đức của Tổ tiên.

c/ Hội Đồng Gia Tộc :

Trong một cuộc họp mở rộng gồm đại diện các Phái ở Bảo An và các nơi khác như Đà Nẵng, Tp.HCM… tham dự đã bầu ra Hội Đồng Gia Tộc. HĐGT điều hành mọi công việc của Tộc và giữ mối quan hệ mật thiết với các Tộc khác ở trong làng. Lập Bản Tộc Ước để những người có trách nhiệm theo đó thực hiện tốt các chủ trương của Tộc nhằm phát huy và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng tộc từ bao đời nay :

TỘC ƯỚC

Tộc Họ là một cộng đồng, một kết cấu duy nhất mang tính huyết thống có sức bền vững tồn tại đến muôn đời, không chịu ảnh hưởng một thế lực nào hay những đổi thay của đất nước. Bởi vậy, việc hướng sinh hoạt tộc họ đi vào nề nếp vừa ích nước vừa lợi nhà là điều cần thiết phải làm cho bằng được.

Tộc Họ có trách nhiệm phát huy và bảo tồn những giá trị tốt đẹp của dòng họ, của gia đình Việt nam, đồng thời tăng cường sự đoàn kết, tình thân ái giữa bà con trong thân tộc và xóm giềng. Mô hình Hội Đồng Gia Tộc và những họat động của nó ngày càng thể hiện rõ nét trong đời sống văn hóa và tinh thần của mỗi gia đình trong cộng đồng dân tộc, ảnh hưởng tốt đến xã hội bên ngoài.

Thủy Tổ chúng ta, ngoài việc hết lòng vì nước vì dân, còn lo việc khai khẩn đất hoang qui dân lập xã. Ngài là một trong những người góp công đầu trong việc lập xã Bảo an ngày nay. Là hậu duệ của Ngài, bất cứ ở thời nào, chúng ta cũng phải đem hết sức mình tham gia xây dựng đất nước, bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên. Để đạt được những mục đích nói trên, tộc chúng ta phải có một tổ chức mạnh gồm những người có năng lực, có trí tuệ, sức khỏe và đức hạnh để đảm trách những công việc của Tộc Họ về hai mặt đối nội cũng như đối ngoại . Để  làm được điều đó, chúng ta phải xây dựng một Hội Đồng Gia Tộc và lập ra một Bản Qui Ước để những người có trách nhiệm theo đó thực hiện tốt các chủ trương của Tộc cũng như của Nhà Nước .

MỤC ĐÍCH :

– Phát huy và bảo tồn những truyền thống tốt đẹp vốn có của dòng tộc từ trước đến nay như lòng yêu nước, gương hiếu học, rèn luyện tư cách đạo đức để trở thành một công dân tốt.

– Động viên mọi người trong thân tộc chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách vì dân vì nước của Nhà Nước, làm tốt nghĩa vụ công dân.

– Giữ gìn thuần phong mỹ tục, tiếp thu có chọn lọc những tục lệ cổ truyền của dân tộc, bài trừ các tệ đoan xã hội .

– Thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến khích động viên, khen thưởng và giúp đỡ các thế hệ SVHS trên con đường học vấn.

– Tổ chức các Lễ Tưởng Niệm công đức của Tổ tiên đơn giản nhưng trang nghiêm và thành kính trong các ngày Thanh Minh, giỗ Tổ hằng năm. Tổ chức tốt việc đón tiếp con cháu nội ngoại về dự Lễ tạo điều kiện thuận lợi để bà con gặp gỡ nhau nhằm tăng thêm tình  đoàn kết, tương thân tương ái.

– Tổ chức cứu trợ kịp thời cho bà con thân tộc trong thiên tai như bão lụt, hỏa hoạn …

– Thăm viếng, giúp đỡ, phúng điếu những người hoạn nạn, ốm đau hoặc mệnh chung một cách thiết thực.

– Tổ chức mừng thọ cho những thân tộc thọ trên 70 tuổi.

– Phát huy tình đoàn kết giữa các tộc họ khác trong thôn, xã.

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG GIA TỘC

HĐGT gồm đại diện 5 Phái có 3 Ban sau đây :

1/ Ban Tế Lễ :

Gồm 6 vị cao niên, cao thế  đại diện cho 5 Phái và 1 vị Tư Lễ lo việc nghi thức và nội dung các buổi Tế hằng năm.

2/ Ban Điều hành : 

Hoạt động thường trực gồm 5 người có đầy đủ khả năng và đức hạnh, bất luận ở phái nào.

Thành phần Ban Điều Hành :

  • 1 Trưởng ban : Điều hành tổng quát để thực hiện những điều đã ghi ở phần mục đích.
  • 1 Phó Trưởng ban : Cùng với Trưởng ban để điều hành các công việc nói trên.
  • 1 Thư ký : – Giữ và ghi chép sổ sách, biên bản các buổi họp của HĐGT .

– Ghi chép những thay đổi trong Tộc về việc Tang , Hôn , sinh trưởng… để tục biên Phổ Hệ.

  • 1 Kế toán : Giữ và ghi chép sổ sách Chi Thu tiền bạc , lễ vật và dụng cụ thờ phụng .
  • 1 Thủ quỹ : Giữ quỹ của tộc.
  • 1 Uy viên : Phụ trách Lễ tân và đời sống .

3/ Ban Khuyến học :

Ban khuyến học có nhiệm vụ khuyến khích, động viên, khen thưởng và giúp đỡ các thế hệ SVHS trên con đường học vấn.

CÁC QUI  ĐỊNH :

Nguồn thu của Tộc chỉ dựa vào sự đóng góp tự nguyện của con cháu trong và ngoài nước. Tiền thu dùng để lo hương khói Tổ tiên , xây dựng và trùng tu cơ ngơi thờ phụng, sửa sang khu mộ Tiền Hiền và 5 Phái. Hội Khuyến học của Tộc có  nguồn thu chi và sổ sách riêng.

Mọi hoạt động của Tộc phải tuân thủ chặt chẽ các điều lệ sau đây:

  • Điều 1: Việc thu chi phải ghi sổ sách phân minh và được báo cáo công khai trong các phiên họp của HĐGT và trong các buổi Lễ hằng năm có con cháu tham dự.
  • Điều 2: Thủ quỹ chỉ giữ tiền mặt dưới 100.000 đồng, trên số đó phải gửi vào ngân hàng lấy lãi. Khi gửi tiền phải hội đủ 2 chữ ký của Trưởng ban Điều hành và Thủ quỹ .
  • Điều 3: Chi từ 10.000 đ trở lên phải có sự chuẩn chi của Trưởng Ban Điều Hành và phải kèm chứng từ lưu giữ trong sổ sách kế toán .
  • Điều 4: Hằng năm trong Lễ Thanh minh và giỗ Tổ Tiền Hiền, BĐH có trách nhiệm lo các việc sau đây do ủy viên Lễ tân và đời sống chịu trách nhiệm trực tiếp :

– Mua sắm các lễ vật, thực phẩm để cúng tế và lo cơm nước buối trưa cho bà con về dự lễ.

– Tổ chức về mặt hình thức buổi Lễ Tế như băng cờ, chiêng trống, máy móc tăng âm …

– Tập trung nhân lực  để lo việc bàn ghế, nấu nướng, bưng dọn v.v..

– Điều hành chương trình buổi Lễ.

  • Điều 5 : HĐGT họp toàn thể mỗi năm một lần vào trước ngày Thanh minh để tổng kết hoạt động trong 1 năm qua, báo cáo thu chi, nhận xét ưu khuyết điểm để rút kinh nghiệm, bầu bổ sung nếu có thành viên nào khiếm khuyết, đề ra những công việc phải làm cho năm tới.
  • Điều 6 : HĐGT chịu trách nhiệm thực hiện Tộc ước này với tinh thần tự nguyện vì tương lai và danh dự của Tộc chúng ta.

Ban Tri tộc hiện nay gồm có :

Tri Tộc: Ông Phan Lượng     1/14

Đại diện các Phái :

– Phái Nhất: Ô. Phan Lượng.

– Phái Nhì: Ô. Phan Dũng 2/17

– Phái Ba: Ô. Phan Chín 3/14

– Phái Tư: Ô. Phan Định 4/15

– Phái Năm: Ô. Phan Tiết 5/14

* Ban Tế Lễ : Gồm các ông ;                           

– Tư Lễ   : Ô. Phan Niên 3/13, Phụ trách nội dung văn tế, nghi thức các buổi  tế.

– Chủ tế : Ô. Phan Lượng và các vị đại diện 5 Phái nói trên.

* Ban Điều Hành :

Trưởng Ban : Phan On     5/14.  

– Phó Ban        : Phan Lực    2/15.

– Thư ký          : Phan Cầu    2/15.

– Kế toán         : Phan Tín     3/15.

– Thủ quỹ        : Phan Dũng 2/17.

– Ủy viên Lễ tân & Đời sống :  Phan Âu 2/15.

Ban Điều Hành mỗi năm được bầu lại một lần.

* Ban Khuyến Học : Gồm 16 vị Đại diện 5 Phái và các Phân Chi Hội Khuyến Học tại mỗi địa phương có con cháu tộc Phan Bảo An đang sinh sống.

Một buổi họp mở rộng ngày 24.5.1998 tại nhà ông Phan Long,14 A/26 đường Lê Duẩn Đã Nẵng, gồm Đại diện 5 Phái, một số đông bà con có nhiệt tình về việc xây dựng Tộc Họ cùng Chi hội Khuyến Học tộc Phan Bảo An tại Đà Nẵng đã nhất trí thành lập Hội Khuyến Học toàn Tộc. Dựa vào kết quả của Chi Hội Khuyến Học của bà con tộc Phan đang sinh sống tại Đà Nẵng đạt được trong 5 năm  qua, hội nghị đã đề ra phương hướng hoạt động mở rộng ra cho cả Tộc, trong cũng như ngoài nước. Chi Hội Khuyến Học Tộc Phan Bảo An  được thành lập theo Quyết định số 28/QĐ-KHĐN của Hội Khuyến Học Đà Nẵng cấp ngày 27.8.1998, hoạt động theo điều lệ, nội qui của Hội Khuyến Học Việt Nam.

Chi Hội đã phân công, cử người đến các địa phương có con cháu tộc Phan đang sinh sống để tổ chức và thành lập các Phân Chi Hội Khuyến Học. Ban điều hành thường trực của Chi Hội gồm có các ông :

– Cố vấn            :                 Phan Sô

– Chủ tịch          :                 Phan Long

– Phó Chủ tịch   :                Phan Nam

– Thư ký             :           Phan văn Thê

– Thủ quỹ           :               Phan Hường

———————————————-

V Ă N   T Ế­­­­­­­

Trong các Lễ tế Xuân, tế Thu, Lễ Giỗ Ngài Tiền Hiền và các vị Thế Tổ 5 Phái, Ban Tế Lễ thường đọc văn tế. Bài Văn Tế tộc ta đã sử dụng từ trước năm 1945 viết bằng chữ Hán, về sau để con cháu dễ hiểu hơn, văn tế được thay đổi bằng tiếng Việt.

Các phần trong bài văn tế đều giống nhau, chỉ khác  ở phần Viết Cung Duy (Lòng Văn).  Dưới đây là văn tế bằng tiếng Việt :

VĂN CHÁNH TẾ

TỘC PHAN CẢ

Việt Nam tuế thứ . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . . . niên,  . . . . . . . . . . . . . . . . . nguyệt. . . . . . . . . . .. . . . . . . nhật.

Quảng Nam tỉnh, Diên Phước huyện, Điện Bàn phủ, Đa Hòa thượng tổng, Bảo An xã, Ba Trai xứ.

Phan đại tộc, đồng tộc nội tôn hiệp ngoại tôn nam nữ đẳng.

Tư nhơn bổn tộc thường niên cung trĩ THỈTỔ KHẢO TỶ TIỀN HIỀN  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . 

kíền thành kỉnh dĩ, nhang đăng, kim ngân, phù lan, thanh chước, ba quả, sanh tư, hào soạn, thứ phẩm chi nghi.

Đồng tộc ủy trạch :

– Chánh bái         :     Chánh tôn     :   Văn

– Tả phân hiến     :     Thứ tôn         :   Văn                                                               

– Hữu phân hiến   :    Thứ tôn          :  Văn                                                   

– Tư lễ                 :                                                Văn 

– Lễ sanh              :                                      Văn

– Chinh, cổ            :                                      Văn                                 

đẳng, cung hành hiến tế.

KỈNH THỈNH TẾ VU :

VINH DƯƠNG QUẬN

          – KHỞI TỔ KHẢO THỦ LĨNH NGHỆ AN TRẠI CHỦ, tưóc Quan Nội Hầu, Phan tướng công, thần vị tiền.

          – KHỞI TỔ TỶ THỦ LĨNH NGHỆ AN TRẠI CHỦ, Tước Quan Nội Hầu, Phan tướng công nguyên phối tiên linh phu nhân, thần vị tiền.

          – TIỀN TỶ TỔ KHẢO Thư viện tước Thượng Chế, Phan tướng công, thần vị tiền.

          – TIỀN TỶ TỔ TỶ Thư viện tước Thượng chế, Phan tướng công nguyên phối tiên linh phu nhân, thần vị tiền.

          – TỶ TỔ KHẢO LÔI CÔNG Quản Cấm Tướng Quân, Tả Các Môn Sứ Viên Ngoại lang, Phan tướng công, thần vị tiền.

          – TỶ TỔ TỶ LÔI CÔNG Quản Cấm Tướng Quân, Tả Các Môn Sứ Viên Ngoại lang, Phan tướng công nguyên phối Đinh phu nhân, thần vị tiền.

          – NHĨ TỔ KHẢO Phan Đại Lang quý công, thần vị tiền.

          – NHĨ TỔ TỶ Phan Đại lang quý công nguyên phối Nguyễn quý nương, thần vị tiền.

          – SƠ TỔ KHẢO TIỀN TIỀN HIỀN KHAI KHẨN Phan quý công , thần vị tiền.

          – SƠ TỔ TỶ TIỀN TIỀN HIỀN KHAI KHẨN Phan qúy công nguyên phối Trần quý nương, thần vị tiền.

TRÍ KỴ TẾ VU

          – THỦY TỔ KHẢO TIỀN HIỀN KHAI CANH, Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ, Đô Chỉ Huy Sứ, Địch Nghĩa Bá – Sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần – Phan Tướng Công, thần vị tiền.

THỈNH HIỆP KỴ TẾ VU

          – THỦY TỔ TỶ TIỀN HIỀN KHAI CANH, Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Cẩm Y Vệ, Đô Chỉ Huy Sứ, Địch Nghĩa Bá – Sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần – Phan Tướng Công nguyên phối Dương phu nhân, thần vị tiền.

          – THỦY TỔ TIÊN TỔ KHẢO PHAN BÁ HUYNH Nhứt Lang Quý Công, thần vị tiền.

VIẾT CUNG DUY

Hôm nay, nhằm tiết Thanh Minh, Nội Ngoại cháu con khắp nơi tề tựu về đây đông đủ , cẩn nghi hương lễ, đồng cung kính khấu đầu khấn niệm, cáo  vọng hương linh Tiên Tổ.

Nhớ Tổ Tiên ta xưa :

– Hồng Lĩnh non cao hùng vĩ là nơi phát tích giống dòng

  Lam giang sông rộng mênh mông là chốn dương danh Phan tộc.

– Đất Nghi Xuân linh khí mươi phần

Làng Ao Giản tinh truyền một Họ.

– Noi gương Tiên Tổ, rão gót hải hồ, hướng miền trù phú, dặm Trường      

          Sơn tăm tắp thẳng dong

Nối chí cha ông, lập đoàn kết bạn, tìm chốn phì nhiêu, đường Nam tiến           thênh thang rộng mở.

 – Gặp lúc lệnh vua chiêu dụ, cùng Nguyễn, Ngô kết nghĩa đệ huynh

  Nhân khi vận nước thịnh hưng, vào đất Quảng dựng xây cơ nghiệp.

– Bắc địa tùng Vương, quan san diệu viễn

  Nam thiên lập xã, gian khổ  mạc từ.

– Rời Ao Giản, Nghi Xuân dong rủi, băng ghềnh vượt thác, chèo quế bền lòng bởi giống dòng muôn thưở

Đến Quảng Nam, Gò Nổi tạm dừng, lội suối trèo non, tay rìu vững dạ, vì miêu duệ tương lai.

Dãi gió dầm mưa bao quản

Băng sông vượt núi chi nài.

                Chịu nhiều nỗi sương lam chướng khí

      Cùng trăm bề cực khổ gian lao.

          Ngày đẵn cây khai phá đất hoang

               Đêm ngủ trên cành tránh loài thú dữ.

– Biến rừng xanh thành ruộng thành vườn, mở lối hẹp khai đường thông sá Xây động trại, tạo thôn tạo ấp, dựng cơ đồ, lập xã qui dân.

– Từ Hòa Đa sang qua Phi Phú , cơ ngơi đồ sộ, giọt mồ hôi sáng tạo đẹp vô ngần

Hết Phú An lại đổi Bảo An, uy thế lẫy lừng, mầm trí tuệ vun bồi cao vòi vọi.

– Trải mấy triều hưng phế, đàn cháu con gióng trống đăng khoa, làm dòng giống thơm danh cho tông môn rạng rỡ, công đức biết mấy mà lường

Qua bao cuộc tang thương, lớp hậu bối nâng cao mức sống, lập vườn dâu xanh tốt, tạo đồng lúa sây bông, sự nghiệp kể sao cho xiết.

– Lần theo năm tháng sản sinh cháu thảo con hiền, quế lan cành lá sum sê, hoa đơm sắc màu rực rỡ

Tiếp nối thời gian, dựng xây Họ lớn Dòng dài, đào lý quả hoa tươi tốt, hương tỏa mùi vị ngọt ngào.

– Gìn truyền thống phụng lân nối gót, mãi lưu truyền di sản tinh anh

  Giữ gia phong hậu duệ vun bồi, luôn tô đậm nét son tươi thắm.

Cao cả thay !

– Công liệt Tổ thiên thu truyền tụng, một lời đâu nói hết nghĩa thâm ân

  Đức Tổ tông vạn thế lưu phương, đôi câu sao tỏ xong lòng hiếu đạo.

– Muôn đội ơn sâu, lòng hậu sinh có nhật nguyệt soi tường

  Tưởng hoài nghĩa nặng, dạ cháu con cầu Tiên tổ chứng tri.

  Một lòng thành kính,

  Một dạ sắt son,

  Chúng con xin nguyện :

  – Giữ lấy lẽ ngay

  – Noi theo chính đạo.

          – Tình tương thân thắm thiết xin gắn bó keo sơn

            Nghĩa gia tộc thiêng liêng nguyền ghi tâm tạc dạ.

          – Yêu thương đùm bọc, lá lành lá rách lúc sa cơ

            Giúp đỡ viếng thăm kẻ khó, người nghèo cơn hoạn nạn.

          – Theo dấu tiền nhân học lấy chữ trung can

            Noi gương quốc sĩ nêu cao câu chính khí.

          – Ba tuần rượu nhạt, vọng bái Tổ tiên, anh linh chứng giám

            Một nén hương thơm , cúi xin liệt Tổ hiển hách hộ trì.

Ngưỡng vọng muôn phương phụng thỉnh hương linh Tiên tổ, chứng chiếu tấc lòng thành, xin gia hộ phò trì, ban phước ấm ơn lành cho con cháu.

Phục duy cẩn cáo !

PHỐI TẾ VU

* Đệ Nhứt hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Khảo, Cai Tổng Sùng Lương Bá Phan Quý Công, thần vị tiền.

– Đệ Nhứt hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Tỷ, Cai Tổng Sùng Lương Bá Phan Quý Công nguyên phối Nguyễn Quý Nương, thần vị tiền.

          * Đệ Nhị hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Khảo, Khuyến Nông Quan Phan Quý Công, thần vị tiền.

– Đệ Nhị hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Tỷ, Khuyến Nông Quan Phan Quý Công, nguyên phối Nguyễn Quý Nương, thần vị tiền.

* Đệ Tam hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Khảo Phan  Quý Công, thần vị tiền.

–  Đệ Tam hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Tỷ Phan Quý Công, nguyên phối Ngô Quý Nương, thần vị tiền.

* Đệ Tứ hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Khảo, Văn Sai Xã Trưởng Phan Quý Công, thần vị tiền.

– Đệ Tứ hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Tỷ, Văn Sai Xã Trưởng Phan Quý Công nguyên phối Phạm Quý Nương, thần vị tiền.

* Đệ Ngũ hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Khảo Phan Quí Công, thần vị tiền.

– Đệ Ngũ hệ Thỉ tôn Tiên Tổ Tỷ Phan Quí Công nguyên phối Trần Quý Nương, thần vị tiền.

* Đệ Nhị Thế Tiên Tổ Khảo, Đệ Tam Lang, Đệ Thất Lang, Quý Công thần vị ( Tảo vong ).

* Đệ Nhị Thế Tiên Tổ Cô Phan thị Mạnh Nuơng, Phan thị Trọng Nương, quý nương thần vị.

KỈNH DĨ

          * Tam Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Tứ Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Ngũ Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Lục Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Thất Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Bát Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Cửu Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Thập Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Thập Nhứt Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị, thần vị tiền.

          * Thập Nhị Thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, Tiên Tổ Cô, chư vị thần vị.

          * Thập Tam Thế Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Tổ Bá, Tổ Thúc, Tổ Cô, chư vị .

          * Thập Tứ Thế  Khảo, Tỷ, Bá, Thúc, Cô, chủ vong liệt vị.

PHỐI DĨ

          * Thập Ngũ Thế, Thập Lục Thế , Nam Nữ tử vong liệt vị.

KỴ

          Lịch đợi thế thế Tiên Tổ Khảo, Tiên Tổ Tỷ, Tiên Tổ Bá, Tiên Tổ Thúc, TIên Tổ Cô khiếm thế chư vị liệt vị.

          Cập đồng đường huynh đệ, cô di, tỷ muội hữu danh vô vị, hữu vị vô danh phàm ngã tôn thân đẳng chư hương linh đồng lai thượng hưởng.

 

– Phục Duy Cẩn Cáo –

 

*********

 

Ngoài bài Lòng văn trên còn có nhiều bài khác nữa, chúng tôi chọn đăng bài thứ hai để mỗi địa phương tùy nghi sử dụng :

 

v   Bài 2 :

Ngã Sơ Tổ công cao thủy sáng – Chánh vị TIỀN HIỀN.

          Trăm hồng nghìn tía, muôn hoa cùng một gốc sinh ra.

          Muôn lễ nghìn nghi, tinh thần ấy lâu đời đã có.

Truy niệm Tổ Tiên xưa, cây có cội nước có nguồn,

Người há dễ quên ơn Tông Tổ .

Nhớ Tổ Tiên xưa, gốc tại Bắc phương tùng vương Nam thổ.

Xuất thân đi từ thưở Lê triều

Lập ấp qui dân khai cơ thác thổ

Ngày một vươn lên nhóm người thành Họ.

Cùng Nguyễn, Ngô nhị Tổ đào viên. [5]

Trải bao phen triệu triệu bồi bồi,

Qua mấy độ thừa thừa kế kế.

Văn hiến Dòng xưa, lễ nghi nếp cũ

Nền nhân, nghĩa móng, qui mô gây dựng từ đây.

Nghiên ruộng, bút cày, con cháu nối noi bởi đó.

Nghĩa Huấn trông gương họ Đậu,[6]

Quế Yên Sơn bóng mát cả nhà.

Trân cam nhớ đức Trương Công [7]

Cửu thế  đồng cư  ân  nhuận.

Một họ ơn nhà lộc nước.

Hồ thủy đây mà khoa bảng cũng là đây.

Võ giỏi văn hay, thi lễ có mà kiếm cung cũng có.

Nhà yên nước trị, tiếng lưu truyền gia tộc vẫn còn ghi.

Trong ấm ngoài êm, họ Phan ta còn vang trong sử sách.

Nhà phước thạnh con đông cháu đúc,

Chữ gia khương biển rộng sông dài.

Trông ngày nay biết đến ngày mai,

Nhìn hiện tại biết ơn Tông Tổ.

Trời cao biển rộng, công đức bao la,

Phước thẳm non cao, khôn dường báo bổ.

Xuân tự ,Thu thường nhơn tử phụng Tiên chi hiếu.

Ngưỡng lại Tổ Tiên chi gia huệ dã.

 

***********

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

v    TÌM VỀ CỘI NGUỒN DÒNG TỘC :

 Hành trình tìm về cội nguồn :

Việc hành hương về quê Tổ để tìm hiểu cội nguồn dòng Tộc là ước vọng của con cháu Họ ta, nhưng vì điều kiện khách quan và chủ quan nào đó, ông cha chúng ta ngày trước chưa thực hiện được. Nhân dịp trùng tu Phổ hệ Phan Cả lần này ( 1991 – 1994 ) Ban Tục Biên Phổ hệ đã đề xuất với Tộc vấn đề trên. Toàn Tộc hoan nghênh và nhất trí. Nhận thấy tình hình đi lại hiện nay có nhiều thuận lợi và nhất là được ông Phan Triêm 2/13, cư trú tai Tp. HCM gởi về ủng hộ Ban Tục Biên 1 triệu đồng và sự hỗ trợ của Tộc ta ở Bảo An, Đà Nẵng, Sài gòn nên Tộc đã quyết định tiến hành việc hành hương về quê Tổ ở Ao Giản, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An. Đoàn hành hương gồm có 3 người:

          – Phan xuân Huy 2/14 Đại diện Phan Bảo An tại Tp.HCM

– Phan đức Mỹ 3/14 ( Tức Nam Hà ) Đại diện Phan Bảo An tại Đà Nẵng.

– Phan On 5/14 Đại diện Phan Bảo An tại Bảo An.

Đoàn lấy danh nghĩa ” Đoàn Nghiên Cứu Tục Biên Phổ Hệ ” do tổng thư ký Ban tục biên Phổ hệ Phan Cả là Phan Đức Mỹ chịu trách nhiệm chung.

Đoàn khởi hành từ Đà Nẵng sáng ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Tuất ( 22.2.1994 ) đến Vinh lúc 22 giờ cùng ngày. Sáng ngày 23.2.1994, đoàn từ Vinh đi xe vào thị trấn Nghi Xuân, dừng chân  để hỏi thăm về các tộc Phan ở huyện Nghi Xuân, nhất là địa danh làng Ao Giản. Hầu hết những người được hỏi, không ai biết địa danh nầy, nhưng hỏi đến Cường Giản,An giản…Cổ Đạm và Phan Xá thì đa số đều biết cả. Một cụ già trên 70 tuổi nói với đoàn : –  ” Huyện Nghi Xuân có đến 5, 6 tộc Phan ở tập trung từng vùng, còn lẻ tẻ thì xã nào cũng có người họ Phan. Nhưng tôi nghĩ các bác nên đi về xã Xuân Mỹ, từ đây đến đó còn khoảng 4 km. Xuân Mỹ trước thuộc tổng Phan Xá còn gọi là tổng Phan vì con cháu họ Phan ở đó đông. Ở Xuân Mỹ có thầy giáo Tấn  là người giỏi chữ Hán. Mấy năm nay, ông đã để tâm nghiên cứu sưu tầm dòng tộc. Tôi tin các bác đến đó sẽ tìm ra … “. Đoàn cám ơn cụ gìa, tiếp tục cuộc hành trình về xã Xuân Mỹ và tìm đến nhà thầy giáo Tấn. Gặp ông, qua mấy lời chào hỏi xã giao, đoàn đã tự giới thiệu và nói rõ mục đích cuộc viếng thăm của doàn : ” Liên hệ các tộc Phan ở Nghi Xuân để tìm nguồn gốc của tộc Phan Báo An, Điện Bàn,Quảng Nam. Ông Tấn nói: ” Đây có thể là nhờ phước đức của tổ tiên mách bảo các anh đến gặp tôi và tôi cũng vô cùng vinh dự được tiếp xúc với các anh. Chúng ta đều là những người có lòng thành kính vớiTổ tiên và trách nhiệm với con cháu mai hậu.. Các anh từ miền Nam xa xôi ra đây tìm hiểu, nghiên cứu về dòng Tộc ta là điều đáng trân trọng. Tôi xin tự giới thiệu : Tên tôi là Phan văn Tấn, sinh năm 1929, giáo viên nghỉ hưu. Mấy năm gần đây, tôi cũng có đi lại nghiên cứu và tìm hiểu về dòng Tộc. Huyện Nghi Xuân có 6, 7 tộc Phan nhưng ở Phan Xá là đông nhất. Ông Tổ chúng tôi là Phan Chánh Nghị có công trong việc chống Mạc khôi phục nhà Lê, tước phong là Trung Liệt Sơn, có nhà thờ và lăng.

Trong khi trao đổi thì bà con trong tộc Phan Phan Xá nghe tin đến thăm rất đông và tham gia nội dung câu chuyện.

Đoàn đã trình bày rõ ràng những tư liệu của Tộc ta như : Địa danh nơi xuất xứ của dòng Tộc, tên húy của các Ngài Tỉ Tổ, Nhỉ Tổ, Sơ Tổ, Thủy Tổ thời gian vào Nam… và đã mời anh Phan văn Tấn cùng bà con Phan Phan Xá xem quyển Phổ hệ do Ngài Phan Trân viết bằng chữ Hán năm Thành Thái thứ 3, tuế thứ Tân Mão tức năm 1891. Ông Tấn cũng đưa quyển phổ hệ của Phan Phan Xá và những tư liệu liên quan đến dòng tộc mà anh đã sưu tập được trong mấy năm qua cho đoàn ta xem. Hệ Phổ Phan Phan Xá do ngài Phan Chánh Nghị viết vào những năm 1525-1527. Ông Phan Chánh Nghị đỗ Tiến sĩ đời Hồng Thuận, làm quan đến Đô Ngự Sử. Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông bỏ quan về ở ẩn. Nhà Mạc 2, 3 lần bắt ép ông ra làm quan. Khi đi đến xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ông nhảy xuống sông tự vẫn. Đời Lê trung hưng được phong vương vị và lập đền thờ tại quê hương. Xin trích một đoạn trong lời nói đầu của hệ phổ Phan Phan Xá như sau : ” Ông Tổ họ Phan chúng ta là Thủ lãnh ở xã Đa, huyện Thiên Lộc làm quan dưới đời Nhà Trần đến chức Nghệ An Trại Chủ, tước quan Nội Hầu. Ngài xây dựng cơ nghiệp họ Phan từ đó. Ngài sinh hạ được hai người con trai, người đầu tên Quang, làm quan đến chức Thư viện,tước Thượng Chế. Người con thứ hai tên An, làm quan đến chức Đại tướng nựu công, tước Thượng Chế.

– Ông Quang sinh hạ 4 người con trai.

– Ông An sinh hạ 2 người con trai.

 Đến nay hơn 8, 9 đời, con cháu các Chi mỗi ngày một đông đúc. Nhiều người đã làm rạng rỡ gia thế. Nhưng rồi dần dần theo nghề nghiệp làm ăn, con cháu đi khắp mọi nơi không liên hệ được với nhau cho nên cái gốc tích của Tổ tiên, nếu không có lưu truyền lại thì khó mà biết được người thân kẻ sơ, người trên kẻ dưới, Nhánh trước Chi sau, … ”

Đọc qua Hệ Phổ Phan Phan Xá, đoàn nhận thấy như sau:

– Ngài Nghệ An Trại Chủ sinh hạ 2 trai là Ngài Quang và An.

1/ Ngài Quang sinh hạ được 4 người con trai :

      – Ông Thiên   :          Thượng chế, nay không rõ ở đâu.

      – Ông Quế      :  Lang tướng, nay không rõ ở đâu.

      – Ông Khoán  : Lại Bộ Viên Ngoại hiệu Lang Khê tiên sinh là tổ Phan Phan Xá.

     – Ông Lôi : Quản Cấm Tướng Quân Tả môn Sư Viên Ngoại, Ông Lôi sinh hạ bà Thị Lan và ông Lư.

Hệ phổ chỉ ghi đến đây là hết, không ghi thêm các đời kế tiếp vì không rõ ở đâu.

Đối chiếu với Phổ hệ của Tộc ta đã ghi :

– Tỉ tổ Đa Lôi sanh Ngài Đa Lư, Ngài Đa Lư sinh Ngài Nhơn Huyện, Ngài Nhơn Huyện sinh ngài Nhơn Bàn …

Đối chiếu hai Phổ hệ, đoàn hết sức vui mừng thấy trong hệ phổ Phan Phan Xá có tên Ngài Tỉ Tổ và Nhỉ Tổ của tộc Phan Bảo An.

Phan Phan Xá, Phan Baỏ An, Phan Cổ Đạm cùng có chung một Tổ là Ngài Nghệ An Trại Chủ. Như vậy :

– Phan Phan Xá là phái anh.

– Phan Bảo An là phái em

– Hai phái Phan Cổ Đạm là đồng căn.

Sau khi tìm được nguồn gốc của Tộc mình, Đoàn xin phép dâng hương tại nhà thờ tộc Phan ở Phan Xá và đi viếng lăng Ngài Phan Chánh Nghị. Sau cùng tổ chức gặp mặt giữa hai Phái Tộc anh em tại nhà ông Phan văn Tấn.

Mối quan hệ giữa hai nơi là quan hệ giữa hai Phái. Mỗi Phái có trách nhiệm củng cố và duy trì cùng phát triển dòng họ của Phái mình. Để mối quan hệ ngày thêm thắt chặt và phát triển trong tình thương mến, quí trọng lẫn nhau giữa hai Phái ở hai địa phương cách nhau trên 500 cây số, hai bên nên thường xuyên liên hệ với nhau qua thư từ, báo cho nhau biết những thông tin liên quan về dòng tộc, nhất là việc tìm hiểu tộc Phan ở xã Đa, huyện Can Lộc.

Nhận xét của Đoàn :

1/ Về làng Ao Giản : Hiện nay ở Nghi Xuân không có địa danh Ao Giản, nhưng trước kia, tổng Phan Xá còn gọi là tổng Phan, có xã ở Phan Xá thường gọi là xã Phan. Xã Phan có hai địa danh là Hữu Ao, Tả Ao. Nơi đây đã nổi tiếng văn, võ một thời nên  có câu thơ :

          ” Võ sảnh bờ ao dòng tướng sĩ,

                      Văn thêu trường học giống ông cha. “

          Chữ Ao Giản có thể xuất xứ từ Hữu Ao, Tả Ao và An Giản, Cường Giản, Động Giản. Từ xưa Ao Giản là một vùng đất rộng lớn bao gồm cả Phan Xá và Cổ Đạm ngày nay. Dân cư trước kia thưa thớt, về sau ngày một đông thêm lên nên các triều Lê, Nguyễn chia vùng này ra làm nhiều xã để tiện việc quản lý đất đai và cai trị. Địa danh Ao Giản biến mất đi từ đó.

          Xem như Bảo An ta thì rõ : Khi mới lập xã, xã hiệu đầu tiên là Phi Phú, triều Tây Sơn đổi thành Phú An xã, rồi Phú An Đông Tây nhị ấp, Minh Mạng thứ 17 (1831) đổi thành Bảo An Đông Tây nhị xã, Bảo Đại thứ 14 (1939) đổi thành Bảo Đông và Bảo Tây. Hai chữ Phú và An biến mất. Đó là chưa nói đến, sau Cách mạng tháng 8.1945, Baỏ An và Xuân Đài hợp lại thành xã Hoàng Diệu, thời chính quyền Ngô Đình Diệm đổi thành xã Phú Tân.

          Nếu những xã hiệu nói trên còn tồn tại, thì chừng 50 năm sau, con cháu những người ở Bảo An trước kia sẽ không còn biết địa danh Bảo An khi có người hỏi đến. Ao Giản cũng nằm trong trường hợp này.

          2/ Chữ lót tên hai Ngài Tỉ Tổ và Nhỉ Tổ : ĐA.

          Ngài Lôi và Ngài Lư đều lót chữ ĐA. Trong Hệ Phổ Phan Phan Xá chỉ chép Ngài Lôi và Ngài Lư không có chữ lót ĐA.

          Nghiên cứu Hệ Phổ chúng ta biết Ngài Thủ Lĩnh Nghệ An Trại Chủ gốc làng ĐA, huyện Thiên Lộc. Gần đây tìm hiểu : xã Đa tức là xã Đa Hoạch, huyện Can Lộc, Hà Tỉnh. Ngài Đa Lôi dùng chữ Đa lót tên là để con cháu sau này ghi nhớ nơi xuất xứ của dòng họ mình. Ở Nghệ An có một địa danh là Đa Lôi. Trước khi Lê Lợi đánh thành Nghệ An đã đóng quân nghỉ ngơi tại đây. Địa danh Đa Lôi đã đi vào lịch sử. Ngài Tỉ Tổ có tên là Lôi, lấy chữ Đa làm chữ lót cũng như bây giờ có ngưòi đặt tên: Phan Baỏ An, Nguyễn Thu Bồn v.v…

          Chúng ta không phải thắc mắc về có hay không có chữ lót vì tên húy của Tỉ Tổ và Nhỉ Tổ đã được trịnh trọng chép vào Hệ Phổ của Phan Phan Xá. Tất cả những điều đã trình bày nói trên đã quá đầy đủ để chúng ta biết rõ được nguồn gốc của Tổ tiên mình.

          Nhân ngày Thanh Minh  25 tháng 2 năm Giáp Tuất tức 4.4.1994, Tộc đã tổ chức cuộc họp mặt Đại diện 5 Phái ở Bảo An và các chi nhánh Sài gòn, Đà Nẵng, Hà Lam, Bình Xuân … cùng Ban Tục Biên Phổ Hệ để nghe báo cáo công việc, tường trình về cuộc Hành Trình Tìm Về Cội Nguồn Dòng Tộc do ông Phan Đức Mỹ thuyết trình.

          Tộc ghi nhận và đánh giá cao kết quả việc tục biên Phổ hệ Phan Cả đến đời thứ 13 và chính thức công nhận nội dung văn bản về việc Tìm về cội nguồn của dòng tộc ở Nghi Xuân, Hà Tỉnh do Ban Nghiên Cứu Tục Biên Phổ Hệ đệ trình.

          Về việc thờ phụng, từ trước đến nay, tại Nhà Thờ Phan Cả chỉ thờ từ Ngài Sơ Tổ trở xuống, nay Tộc thống nhất lập thêm hai linh vị để thờ Ngài Cao Tổ Đa Lôi và Ngài Tằng Tổ Đa Lư.

          Để mối quan hệ giữa hai Phái anh em ngày càng thêm  thắt chặt và bền vững, hằng năm vào dịp đầu xuân kể từ năm 1996, tộc Phan Bảo An đã gởi mỗi năm 200 ngàn đồng để cúng hương các vị Tổ ngoài ấy.

          * Địa chỉ liên hệ thư tín với tộc Phan Phan Xá :

          Ông Phan văn Tấn, Đội 7 xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

  Hành hương về quê Tổ :

– Ngày 15 tháng Giêng năm Ất Hợi (14.2.1995) tộc Phan Phan Xá xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ Tế Chư Tổ các Chi Phái họ Phan có chung một gốc là ngài Nghệ An Trại Chủ. Ban tổ chức lễ mời tộc ta ra dự.

Được giấy mời, tộc ta triệu tập họp các đại diện ở Đà Nẵng và Bảo An đẻ bàn việc mua sắm lễ vật và cử người đi dự lễ. Sau khi bàn bạc, tộc chính thức cử 3 người do tộc đài thọ kinh phí. Ngoài những người được tộc cử, bà con ở các nơi, ai muốn tham gia dự lễ, tộc đều hoan nghinh nhưng phải tự túc chi phí, góp mỗi người 200.000 đồng. Đoàn hành hương gồm có 9 người:

– 3 người do tộc cử : Phan Mười (Tp.HCM), Phan Sô và Phan Đức Mỹ (Đà Nẵng).

– 6 người tự nguyện : Phan Huynh, Phan Thóa, Phan Trung Thừa (Tp.HCM), Phan Long , Phan Lẫm (Đà Nẵng), Phan Tiết (Bảo An).

Đoàn cử ông Phan Mưòi làm trưỏng đoàn, ông Phan Sô làm phó.

Lễ vật do tộc mua sắm gồm :

–  Một mâm trầu cau, 2 chai rượu, 5 hộp hương khoanh lớn và 1.000.000 đồng bạc mặt.

– Một câu liễn khắc trên đá hoa Non Nước cỡ 0,40m x 0,60m với nội dung :

” Phan Xá nguyên tiền tâm vọng tưởng

            Bảo An dịch hậu chí nghiêm cung ” ( Xem tiếp phần Liễn Đối Tr.        )

          Để đỡ bớt chi phí, anh Nam Hà đã mượn  1 chiếc xe 12 chỗ ngồi, ta chỉ chịu tiền xăng dầu và ăn  uống cho tài xế.

          Đoàn khởi hành từ Đà Nẵng lúc 5 giờ sáng ngày 14 tháng giêng ( 13.2.1995), đến Nghi Xuân lúc 19 giờ cùng ngày. Xe dừng lại huyện lỵ Nghi Xuân để hởi thăm đường vào Phan Xá. Nghe hỏi, một người đàn ông ở nhà cạnh đấy, chạy ra đón hỏi :

          – Có phải các anh từ Đà Nẵng ra dự lễ ở Phan Xá không ?

Nam Hà đáp : – Chúng tôi từ Đà Nẵng ra. Tối quá, quên đường nhờ anh chỉ giúp. Người ấy vui mừng nói:

          – Tôi là người của Phan Xá đây. Chúng tôi biết hôm nay các anh ra nên bố trí người chờ đón ngoài ngã ba quốc lộ từ lúc 14 giờ kia. Chờ mãi không thấy nên họ đã về rồi. Tôi ở lại đây chờ đợi. Bây giờ xin đưa các anh về. Xin cho xe chạy thẳng đến Nhà Thờ. Khi chiều bà con đã làm lễ rước Sắc chắc còn ở lại đấy rất đông. Về đấy để bà con biết là các anh đã ra đến.

          Xe vừa đến nhà thờ, bà con chạy ra vây quanh đoàn mừng rỡ bắt tay chào hỏi. Chuyện vãn ở đấy một lúc lâu, đại diện Phan Phan Xá đưa đoàn về nghỉ tại hai nhà mà họ đã bố trí trước. Vợ chồng chủ nhà có nhã ý đi ngủ chỗ khác để nhà cho đoàn tự do sử dụng.

          Lễ tế được cử hành vào lúc 8 giờ ngày 15 tháng giêng Ất Hợi. Các thành viên trong đoàn ăn mặc chỉnh tề : ông Mười, ông Tiết mặc áo dài đen, khăn đen; ông Thóa áo rộng và khăn xanh; Nam Hà mặc sắc phục CAND, đeo quân hàm Đại Tá; các người còn lại mặc âu phục. Đúng giờ qui định, đoàn đến nhà thờ mang theo các lễ vật đã kể trên. Đại diện Ban tổ chức lễ ra đón đoàn và đưa vào bên trong nhà thờ. Vì trời mưa nên bà con  đều dồn hết vào trong nhà thờ, đứng chen chúc nhau. Ông trưởng đoàn trình lễ vật. Đại diện Phan Phan Xá tiếp nhận và nói lời cảm tạ.

          Đến giờ hành lễ, ông Phan văn Tấn đọc diễn văn khai mạc, nói rõ nguồn gốc của Phan Phan xá cà các Chi Phái anh em ở Tiên cầu,Xuân Viên,, Cổ Đạm, Bảo An v.v… đồng thời nêu danh các bậc tiền bối các thế hệ trước đã học rộng đỗ cao, góp nhiều công sức trong việc xây dựng tộc họ và đất nước. Ông cũng nhiệt liệt hoan nghênh con cháu  họ Phan Bảo An ở xa hàng 600 cây số, sau hơn 500 năm dài, qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước, vẫn một lòng nhớ về quê Tổ, cố công tìm cho được nguồn gốc của dòng tộc mình. Sự hiện diện của con cháu họ Phan Bảo An trong buổi lễ hôm nay đã nói lên lòng tưởng nhớ cội nguồn và nêu cao tinh thần thiêng liêng cao quý của những người có chung một Tổ. Sau diễn văn của ông Phan văn Tấn là phần phát biểu của đại diện các Phái họ Phan ở Nghi Xuân, sau cùng là Bảo An. Ông Sô đọc diễn văn nêu rõ lý do vì sao có sự hiện diện của đoàn ta trong buổi lễ hôm nay, nhắc lại lịch sử của dòng tộc từ khi Ngài Sơ Tổ vào Nam lập nghiệp và những công sức của tổ tiên ta, tiền nhân ta đã đổ ra trong việc xây dựng dòng họ, làng xã và đất nước. Sau phần phát biểu ý kiến là phần tế lễ   theo nghi thức cỗ truyền. Đoàn ta đã đến trước bàn thờ các vị Chư Tổ cung kính dâng hương.

          Lễ tế kết thúc. Đoàn ta được mời dự liên hoan  tổ chức tại nhà một người trong tộc Phan Phan Xá. Sau tiệc liên hoan, bà con Phan Cổ Đạm khẩn khoản mời đoàn ta về viếng thăm nhà thờ ở đấy. Cảm động trước tấm chân tình của bà con Phan Cổ Đạm, đoàn ta nhận lời. Cổ Đạm cách Phan Xá hơn 4 cây số. Đường đất khá rộng nhưng vì sau cơn mưa nên hơi lầy lội. Đến nơi, bà con ở gần nhà thờ chạy ra chào mừng đón tiếp. Sự đón tiếp thật chân thành và nồng hậu làm cho cả đoàn vô cùng cảm động. Đoàn ta vào nhà thờ dâng hương, sau khi chuyện trò thăm hỏi thân mật, đoàn xin phép cáo lui. Sau hơn 500 năm, những người cùng chung môt huyết thống mới lại có dịp gặp nhau. Chỉ vài giây phút ngắn ngủi nhưng đậm đà và quí giá biết bao. Bà con ở Cổ Đạm tiễn đoàn ta ra tận xe và bùi ngùi chia tay. Tất cả đều mong mỏi, một ngày nào đó, lại được đón tiếp bà con ở Bảo An về thăm quê Tổ như hôm nay.

          Cùng chiều hôm ấy, đoàn ta tổ chức một bữa cơm thân mật tại nhà ông Phan văn Tấn để khoản đãi các đại diện của Phan Phan Xá nhằm mục đích thắt chặt thêm tình đoàn kết, thân ái giữa hai Phái Tộc anh em.

          5 giờ sáng hôm sau (15.2.95) đòan ta rời Phan Xá và về tới Đà Nẵng lúc 17 giờ cùng ngày.

          Trong bữa cơm thân mật tổ chức tại nhà ông Sô để tiễn các thành viên trong đoàn trở về Tp.HCM, một sốbà con có nêu ý kiến rất tiếc không được tham gia hành hương trong kỳ này. Đề nghị Tộc sau này, nếu có những cuộc hành hương như thế nầy,  thì nên thông báo rộng rãi để bà con biết mà tham gia, vì có rất nhiều người muốn về thăm Quê Tổ nhưng chưa có dịp.

          – 14 tháng giêng năm Canh Thìn ( năm 2000 ) :

          Hằng năm vào ngày rằm tháng giêng Âl , tộc Phan Phan Xá, ngoài việc giỗ Ngài Phan Chánh Nghị còn giỗ Ngài Thái Thượng Nghệ An Trại Chủ. HĐGT tộc Phan Phan Xá đã gởi thư mời đến các chư tộc tộc Phan các nơi. Nhận được thư mời, tộc Phan Bảo An đã cử đoàn ra Hà Tỉnh tham dự  lễ giỗ. Đoàn gồm có 7 người :

          – Phan Mười 13/3, Phan Thóa 14/2, Phan thị Nhuận ( Sài gòn ).

          – Phan Đức Mỹ 14/3, Phan Trà 14/4 ( Bảo An ), Phan văn Hường 14/4, Phan Tuấn 15/1 ( Đà Nẵng ) do Phan Thóa làm trưởng đoàn, Phan Tuấn Phó đoàn phụ trách đời sống . Việc cử anh Phan Tuấn lần này nhằm tạo điều kiện cho lớp trẻ tộc Phan Bảo An kế thừa và giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa hai phái Phan Bảo An và Phan Phan Xá một cách vĩnh viễn cho tương lai sau này không bị gián đoạn.

          Đoàn khởi hành vào sáng ngày 15 tháng giêng năm Canh Thìn tại Đà Nẵng và đến nhà thờ Phan Xá vào lúc 20 giờ cùng ngày. Cả đoàn vô cùng xúc động trước sự đón rước ân cần, thân thiết của bà con tộc Phan Phan Xá. Sáng hôm sau, đoàn vào  Nhà Thờ dâng hương. Lễ vật gồm một mâm hoa quả, một phong bì 1.380.000 đồng, 3 cây hương đường kính 1,5 phân dài 1m, tượng trưng cho  ba chữ Phước, Lộc, Thọ. Buổi tế lễ được cử hành trong không khí trang nghiêm, đầm ấm tình gia tộc. 17 giờ cùng ngày đoàn Phan Bảo An và Phan Phan Xá họp mặt tại nhà ông Phan Tấn nhằm trao đổi công việc gia tộc. Anh Phan Tuyến đại diện HĐGT tộc Phan Phan Xá đã nói lên nhiều điều tốt đẹp đối với tộc Phan Bảo An chúng ta : ” … tộc Phan Bảo An có nhiều cái nhất : – ở xa nhất – con cháu đông nhất – nhân tài nhiều nhất – nhiệt tình nhất  và tìm về cội nguồn của dòng tộc sớm nhất … “. Trong dịp này tộc Phan Phan Xá có trình bày dự kiến nâng cấp nhà thờ để thờ Ngài Thái Thượng và các vị Thế tổ các đời kế tiếp đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đúng với tầm cỡ của một Phan đại tộc có đông con cháu khắp nơi trong nước, đã hiển đạt và vang danh. Muốn xây dựng được như thế phải có kinh phí trên 100 triệu đồng. Hiện nay, hai phái anh chưa tìm được, Phan Phan Xá như tự tôn. Phan Xá là nơi gốc Tổ nhưng chỉ vỏn vẹn có trên 20 hộ mà đời sống kinh tế quá khó khăn. Các nhánh cùng trực hệ với Phan Xá như Tiên Cầu, Xuân viên, La Sơn … cũng chẳng hơn gì mấy. Chỉ còn có Bảo An ! Tộc ta sẽ cố gắng vận động đóng góp một phần lớn kinh phí để xây dựng một công trình lưu niệm trong quần thể đền thờ Ngài Thái Thượng.

          Sau khi nghe báo cáo của Đoàn từ Hà Tĩnh trở về, HĐGT tộc Phan Bảo An đã quyết định lập Ban Vận Động các thân tộc đóng góp xây dựng Đền Thờ Ngài Thài Thượng. Công trính dự kiến sẽ khởi công năm 2001 và  khánh thành vào năm Nhâm Ngọ ( 2002 ).

 

***********

 

 

 

 

 

 

 

 

XÂY DỰNG TIỀN ĐƯỜNG

TẠI KHU ĐIỆN THỜ NGÀI THÁI THƯỢNG

xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh

 

***************

 

          Nhân ngày hội Giỗ Tổ, Ngài thủ lĩnh Nghệ An Trại Chủ và các vị Cao Tổ họ Phan tại nhà thờ họ Phan Phan Xá ngày 19.2.2000 ( 15 tháng giêng năm Canh Thìn ), Hôi Đồng Gia tộc Phan Phan Xá đã tổ chức buổi họp mặt giữa các Chi Phái trực hệ với tộc Phan Phan xá và phái đoàn tộc Phan Bảo an . Buổi họp mặt diễn ra trong bầu không khí thân mật, đầm ấm, đậm đà tình gia tộc. Đại diện Phan Phan Xá đề xuất việc trùng tu nhà thờ hiện hữu với lý do :

          – Nhà thờ này đã xây dựng cách đây 200 năm, nay đã quá cũ, xuống cấp trầm trọng, vừa nhỏ lại vừa thấp. Trước đây 5 năm, nhà thờ chỉ thờ từ ngài Phan Chánh Nghị, tức đời thứ 10 trở xuống. Năm 1995, phái đoàn tộc Phan Bảo An tìm về cội nguồn của dòng tộc đã nối liền được mối quan hệ gia tộc với Phan Phan Xá, xác định hai Phái có cùng chung một Tổ là Ngài Thủ Lĩnh Nghệ An Trại Chủ nên đã đề nghị nâng cấp thờ phụng lên. Thế là từ năm 1995, nhà thờ này không còn riêng của Phan Phan Xá mà trở thành nhà thờ của tất cả các Phái, con cháu Ngài Nghệ An Trại Chủ.

          – Tộc ta có một lịch sử dài gần 700 năm, con cháu đông đúc sinh sống ở mọi miền trong cũng như ngoài nước, hiển đạt nhiều, giàu có cũng không ít. Nhà thờ cũ không còn tương xứng với tầm cỡ của một dòng họ như họ ta ngày nay. Chúng ta phải hợp sức nhau xây dựng một cơ ngơi  thờ phụng rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn, huy hoàng hơn.

          Dự kiến sẽ xây dựng một Đền thờ gồm 2 ngôi nhà lớn cách nhau 4­­ m :

  • – Nhà sau là Hậu tẩm để thờ phụng tổ tiên.
  • – Nhà trước là Tiền đường để con cháu hội tụ trong những ngày giỗ kỵ.

          Hậu tẩm và Tiền đường nối liền nhau bởi 2 nhà cầu gọi là Hữu vu và Tả vu, giữa khu đất trống trồng cây cảnh hoặc xây non bộ.

          Kinh phí dự trù từ 120 – 150 triệu đồng.

          Hội nghị nhất trí thực hiện đề án xây dựng khu Điện thờ. Phái đoàn tộc Phan Bảo An xin lãnh hội ý kiến về trình bày với HĐGT , kết quả sẽ báo sau.

Về Đà Nẵng, phái đoàn triêụ tập ngay một phiên họp sơ khởi để bàn thảo về vấn đề này. Dự họp gồm có các ông Phan Mười, Phan Minh Kế, Phan Thị Nhuần ( Tp. HCM ) , Phan Sô, Phan Long, Phan Đức Mỹ, Phan Hường, Phan Tuấn (Đà Nẵng) và một số các thân tộc khác.

Sau khi nghe phái đoàn từ Hà Tĩnh trở về báo cáo nội dung việc xây dựng Điện thờ Ngài Thái Thượng, hội nghị đã thảo luận và thông qua các vấn đề sau đây:

– Hai Phái Phan Phan Xá và Phan Bảo An cùng nhau xây dựng Điện thờ.

– Thay vì góp chung kinh phí để xây dựng, tộc Phan Bảo An đề nghị mỗi Phái xây dựng một cơ ngơi. Phan Phan Xá xây dựng Hậu tẩm. Phan Bảo An xây dựng Tiền đường, kinh phí ít nhất phải 60 triệu đồng.

  • – Lập ban vận động kinh phí để xây dựng gồm có :

Tp.HCM : Các ông Phan Mười, Phan Thóa, Phan Thị Nhuận.

Đà Nẵng : Các ông Phan Sô, Phan Long, Phan Đức Mỹ, Phan Hường, Phan Tuấn.

Được sự đồng ý của HĐGT, Thanh Minh năm Canh Thìn (05.4.2000) tại nhà thờ tộc ở Bảo An, hai ông Sô và Huờng đã trình bày với bà con về mục đích và ý nghĩa  của việc xây dựng nhà thờ tại Hà Tĩnh, kêu gọi bà con đóng góp. Ngay sau khi phát động số người đăng ký đóng góp đã được 6,5 triệu đồng. Đạt được kết quả bước đầu này chứng tỏ con cháu Tộc Phan BảoAn rất nhiệt tâm với dòng tộc, vì mọi người đều biết rằng cơ ngơi xây dựng này sau này sẽ trở thành di tích quí giá, nhắc nhở con cháu ta tiếp tục thực hiện tốt cái đạo lý ” uống nước nhớ nguồn” như cha ông ta đã từng làm trước đây. Các Chi Phái họ Phan khác và khách đến tham quan hẵn sẽ phải ca ngợi lòng thiết tha nhớ tới cội nguồn của con cháu tộc Phan Bảo An, dù đã xa cội trên 500 năm qua. Tiếng thơm sẽ vang xa, không những trong ngày hôm nay mà mãi mãi về sau. Ngoài ra còn lưu lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con họ Phan và dân chúng địa phương về tình đoàn kết gia tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Ban vận động bắt tay ngay vào vận động, in thư kêu gọi bà con các nơi đóng góp gởi đi khắp nơi, trong cũng như ngoài nước. Riêng với bà con ở nước ngoài do ông Phan Như Liễu ở Canada nhận trách nhiệm vận động.

Sau một thời gian vận động, kết quả thu chi như sau :

  • Nước ngoài :

Canada : Phan Như Liễu 3/14 :100 bao ciment trị giá 4.787.000 đ

                     PhanVăn Huy  3/14    :                         150 đô Canada

                   Phan văn Hòa 3/14     :                         150 đô Canada

                   Phan Duy Trung 3/14 :                    935.000 đ

                   Phan Toại 3/14           :                 5.610.000 đ

                   Phan Nhi 3/14           :                  4.765.000 đ

          Mỳ :  

                     Phan Quy ( tức Nguyễn Phải ) : 300 USD =   

                                                                               4.380.000 đ

                   Phan Mạnh Lương      :                     1.450.000đ   

                   Phan Thị Lựu              : 50 USD   =     700.000 đ

  • Trong nước :

Hà Nội                      :                       400.000 đ

Đà Nẵng                    :                   15.800.000đ

Bảo An                     :                       500.000 đ

Kontum                    :                       500.000 đ

Tp.HCM                    :                   35.000.000đ     

Vũng Tàu                  :                     2.500.000 đ

Chi nhánh Tộc Phan tại Long An            2.090.000 đ

Tổng cọng       :                   80.766.000 đ

          Ngoài số hiện kim nói trên, một số các thân tộc còn phụng cúng nhiều đồ dùng thờ cúng như :

          – Ông Phan Như Liễu : 1 chuông đồng nặng 110 kg , 1 trống lớn và 2 giá treo chuông và trống. ( Chuông đồng do thợ đúc gia truyền  Huế thực hiện, trống do làng nghề cổ truyền làng Lâm Yên, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thực hiện ). Ông Liễu đã thuê xe chở chuông và trống về Đà Nẵng. Sau khi dự Lễ Thanh Minh năm Tân Tỵ 2001 tại Bảo An, Phái đoàn tộc Phan Phan Xá đã thỉnh chuông và trống về Hà Tĩnh.

  • – Con Ông Phan Huynh, bà Văn thị Kỉnh : 2 bộ tam sự bằng đồng.

Sau khi Ban vận động lên bản vẽ  thiết kế ngôi Tiền đường, Thanh Minh năm Tân Ty, phái đoàn Phan Phan Xá gồm 5 người từ Hà Tĩnh vào Bảo An bàn thảo kế hoạch xây dựng công trình. Hai bên đã nhất trí : Phan Phan Xá xây dựng Hậu tẩm và các công trình phụ như trụ biểu, bình phong, tường rào . . ., Phan Bảo An xây dựng ngôi Tiền đuờng như bản vẽ. Để giảm bớt chi phí đi lại, giám sát thi công, ta đã nhờ tộc Phan ngoài ấy đảm nhận việc thi công xây dựng với tổng kinh phí là 60 triệu đồng.

Phần chi :

– Thanh toán hợp đồng xây dựng                           : 60.000.000 đ

– Thưởng công và liên hoan thợ                                      :      700.000 đ

– Đúc 01 đỉnh lớn và làm 3 bao lơn bằng sắt            :    1.500.000 đ    

– Cúng 1 bàn hương án bằng gỗ                                :    2.500.000 d  

– 1 bảng đá khắc Tông đồ 2 Phái tộc Phan              :       300.000 đ

– 1 bảng đá lưu niệm                                              :       300.000 đ

– 5 câu liễn gồm 110 chữ bằng đá                                      :       770.000 đ

– Chi phí ra, vào để khởi công xây dựng và nghiệm thu :    630.000 đ

– Các chi phí linh tinh khác như phí vận chuyển, tiền in ấn thư , biên nhận, lập sổ vàng, cưóc phí bưu điện về thư từ, gởi tiền và điện thoại, khắc con dấu, tiếp phái đoàn Phan Phan Xá . . .         :            2.263.000 đ

                   Tổng Chi    :                       80.000 .000đ

          Điện thờ được khởi công xây dựng ngày 07.5.2001 (15 tháng 4 năm Tân Tỵ và hoàn thành ngày 31.8.2001. Ông Phan Đức Mỹ, đại diện tộc Phan Bảo An ra nghiệm thu công trình và bàn Lễ Khánh Thành.

          Điện thờ này được nhân dân và bà con ở địa phương đánh giá cao, cho là đẹp nhất của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm gần đây, sau ngày đất nước hòa bình và thống nhất. Các bô lão trong Tộc vui mừng đến rơi lệ vì chưa bao giờ được nhìn thấy một cơ ngơi thờ phụng Tổ tiên to lớn, huy hoàng và tôn nghiêm như thế này. Họ cho rằng nếu không có  những lòng tấm lòng tha thiết với cội nguồn của các con cháu Phái tộc Phan Bảo An thì không thể nào xây dựng đưọc Điện thờ như thế. Tất cả các con cháu tộc Phan Bảo An cũng sung sướng,vui mừng không kém họ.

          Công trình xây dựng Điện thờ gồm có :

          * HẬU TẨM : Kích thước 5m x 9m cao 8,9m, nền lát đá hoa, mái lợp ngói gồm có 3 gian :

          – Gian giữa thiết kế 3 bàn : Bàn Thượng thờ Ngài Thái Thượng, hai bên thờ Ngài Quang và Ngài An. Bàn Trung thờ các Ngài Thiên , Ngài Quế, Ngài Khoán và Ngài Lôi. Bàn Hạ đặt một bộ tam sự lớn và đặt lễ vật mỗi khi cúng tế.

          – Gian Văn ( phía bên phải ) thờ các Ngài Từ đời Thứ 4 đến thứ 5 trong đó có Ngài Đa Lư và Ngài Phan Nhơn Huyện.

          – Gian Võ ( phía bên trái ) thờ các Ngài từ đời thứ 6, trong đó có Ngài Phan Nhơn Bàn, Tiền Hiền tộc Phan Bảo An.

          Mỗi vị đều thiết Bài vị và lư hương riêng.

          * TIỀN ĐƯỜNG : Rộng 10m x ngang 6,6m x cao 7,8m ,  nền lát đá hoa, lợp ngói.

           Giữa Hậu Tẩm và Tiền Đường là khoảng đất rộng 4m, hai bên xây Hữu vu và Tả vu.

          Danh sách các thân tộc đóng góp tiền xây dựng đều được ghi vào 4 phiếu nhận danh dự : ” Tấm lòng nhớ về cội nguồn Gia tộc ” đóng thành tập đặt tại 3 nơi :

  • – Điện thờ Ngài Thái Thượng tại Hà Tĩnh.
  • – Nhà thờ tộc Phan tại BảoAn.
  • – Nhà thờ tộc Phan tại Bình Triệu, Sài Gòn.
  • – Cá nhân người cúng tiền gữi 1 bản.

Lễ Khánh thành Điện Thờ được tổ chức vào ngày 11 tháng 2 năm Nhâm Ngọ – 24.3.2002. Tham dự Lễ có Đại diện các cấp chính quyền tại địa  phương, các báo, đài phát thanh , truyền hình. Ngoài bà con tộc Phan Phan Xá tại địa phương còn có bà con từ các nơi về dự lễ rất đông. Miền Bắc có các đoàn tộc Phan Tiên Cầu, Xuân Viên,… Quảng Ninh, Hà Nội. Miền Nam ra có các đoàn tộc Phan Tp.HCM, Long An, Đà Lạt, Quảng Nam, Đà Nẵng và một số đông Đại biểu các tộc bạn. 

O Các câu liễn treo tại Điện thờ :

                                                         ( Lời dịch của ông Phan Sô )

Câu 1 : Đông hải diện tiền Phan tộc khai nguyên huân diễn khoáng

             Tây hồng bích hậu vân nhưng kế tạo nghiệp miên trường.

Dịch:

     Biển Đông trước mặt,họ Phan khai sáng mở đầu,công lớn vang lừng bốn cõi

     Non Hồng tường sau,con cháu tài bồi xây dựng,nghiệp xưa bền vững muôn đời.         

          Câu 2 : Danh tạc thanh sơn nhất phiến trung can Hồng lĩnh thạch

                        Nghĩa lưu bích thủy thiên thu hương tích  Bát tràng châu

         Dịch :

          Tên khắc non xanh, một tấm lòng trung Hồng lĩnh chứng

          Nghĩa hòa nước biếc, ngàn thu dấu tích Bát tràng ghi.

Câu 3 :

          Hồng Lĩnh sơn cao sự nghiệp tiền nhân thùy đại đức

          Trường Giang [8] thủy viễn thanh hoa hậu thế niệm thâm ân.

Dịch :

          Hồng Lĩnh non cao, sự nghiệp lẫy lừng, Tổ tiên dành đức lớn     

          Trường Giang nước thẳm, tài hoa lỗi lạc, con cháu nhớ ơn sâu.

Câu 4 :

          Thái tổ khai nguyên phúc chỉ nhân cơ tồn minh viễn

          Hồng sơn phát tích tinh hoa hạo khí vĩnh long hưng.

Dịch :

          Thái tổ mở đầu, cõi phúc nền nhân còn rực sáng

          Non Hồng phát tích, tinh hoa hạo khí mãi vượng hưng.

 

Câu 5 :

          Phan tộc chung linh, nghĩa khí trung can lưu quốc sử

          Tử tôn thừa thống huân công khoa giáp dịêu tông môn

Dịch :

Họ Phan un đúc khí thiêng,trung nghĩa can trường lưu quốc sử

Con cháu phát huy truyền thống, huân công khoa giáp rạng tông môn.


[1] Xem tiếp phần liễn đối

[2] Trích bài thơ Đất Màu của Tế Thu

[3] Thơ của Phan văn Thê, đăng trên báo tường nhân dịp khánh thành Tiền Đường tộc Phan, Thanh Minh năm  Đinh Sửu 1997 .

[4]  Ngủ hương : – Hương Bộ trông coi sổ sách điền địa. – Hương Kiểm lo việc gữi gìn an ninh, trật tự, canh gác, tuần tra. – Hương Bổn là thủ qũy. – Hương Mục thi hành các thứ thuế. – Hương Thơ giữ gìn các loại giấy tờ, thư ký trong làng. Các chức vụ này cũng được thay đổi dưới các triều vua khác nhau.

[5] Đào viên : Lưu Bị, Quan Công (QuanVân Trường), Trương Phi ( Dực Đức) kết nghĩa anh em ở vườn đào

[6] Đậu Yên Sơn có 5 con trai đều hiển đạt, gọi là ngủ quế.

[7] Trương Công Nghệ : Con cháu 9 đời đều sống chung hòa thuận với nhau. Vua hỏi nhờ đâu có được sự hòa thuận ấy, ông dâng lên vua một tờ sớ viết 100 chữ nhẫn.

[8] Sông Trường Giang, Quảng Nam. Còn 2 câu liễn nữa chúng tôi sẽ bổ sung sau

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này