XỨ QUẢNG

Lụt tháng 11/2011 ở Quảng Nam Đà Nẵng

Nước ngập gần chạm mái nhà tại Hoà Thọ Đông- Cẩm Lệ. Ảnh: Báo CAĐN

Mấy ngày qua, mưa lớn gây ngập lụt nhiều nơi. Cuộc sống bà con quê hương lại thêm khốn khó

Nhà ở xóm Cây Muồng, xã Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam chìm trong nước lũ chiều 7-11 - Ảnh: T.Vũ


Người dân huyện Nam Trà My bị kẹt đường vì lũ - Ảnh: Văn Bình


Nước sông Hoài dâng cao ngập khu vực P.Minh An. Ảnh: TN


Người dân lưu thông bằng phương tiện là ghe bầu nhỏ. Ảnh: TN

Chùa Cầu Hội An cũng không tránh khỏi cảnh bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: TN

Tháng Mười Một 9, 2011 Posted by | 1. Xã hội | 1 bình luận

Chiều – đêm Đà Nẵng

Chiều Đà Nẵng

Thả neo

Bên bến cảng

Thành phố lên đèn

Tàu về bến

Thả neo bên chân cầu

Cầu dây võng Thuận Phước

Cầu quay Sông Hàn

Đêm bên bờ sông Hàn

Một góc phố đêm

Tòa nhà UBND thành phố

Đường phố về khuya

Trên cầu Sông Hàn

Đường vắng

Tháng Hai 15, 2011 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Miền Trung oằn mình trong lũ dữ

Ngay sau khi cơn bão lớn số 9 đi qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên lại phải tiếp tục đối mặt với cơn lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Đến tối 30-9, nhiều hộ dân vẫn trong tình trạng màn trời chiếu đất, giao thông nhiều khu vực vẫn đang bị chia cắt

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương, tính đến 18 giờ hôm qua 30/9, mưa lũ do bão số 9 gây ra đã cướp đi sinh mạng của 84 người (Quảng Bình 1 người, Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên – Huế 6 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 11 người, Quảng Ngãi 24 người, Bình Định 6 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 22 người, Đắk Nông 2 người, Lâm Đồng 2 người), 12 người mất tích và 179 người bị thương.

Mưa lũ cũng đã làm 6.230 nhà bị sập và trôi, 171.095 nhà tốc mái và hư hỏng, 146.750 nhà bị ngập; 499 phòng học bị ngập và hư hỏng; 12.308 trạm y tế và trụ sở UBND xã bị hư hỏng; 17.003 ha lúa, 10.597 ha hoa màu, 164.664 ha cây công nghiệp và cây lâm nghiệp bị ngập và gãy đổ… Chỉ riêng ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum, thiệt hại vật chất ước tính đã lên tới trên 2.165 tỉ đồng.

Một số hình ảnh bão lũ ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Miền Trung chới với trong lũ dữ (ảnh chụp từ máy bay trực thăng). Ảnh: Q.S

Nhiều vùng trũng phía đông của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn và Đại Lộc, vẫn còn chịu lũ cao trong nhiều ngày nữa

Xe Thiết giáp quân sự vượt lũ từ các huỵên phía Bắc vào Quế Sơn trưa 30-9

Nước ngập phố cổ Hội An

Đường về Chùa Cầu mênh mang nước. Ảnh Huy Hiền

Ngập lụt ở Hoà Quý, Đà Nẵng

Lũ lớn gây ngập lụt ở ven sông Cẩm Lệ, Đà Nẵng ngày 30-9 (Ảnh: N.Phương)

Xã Hòa Nhơn ven sông Túy Loan chìm trong bể nước.

Hà Phan

http://hophan.net/?cmd=act:news|newsid:372

 

Tháng Mười 1, 2009 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nỗi niềm làng “rì-zọt”

TT – Dải đất ven biển kéo dài trên 15km từ xã Điện Ngọc đến Điện Dương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hiện chen kín vài mươi dự án lập khu du lịch “rì-zọt” (resort). Nhường đất cho resort, cuộc sống người dân làng cá, làng lúa, rau màu nơi đây bị xáo trộn, lắm nỗi niềm.

Nằm đối diện với resort The Nam Hải năm sao tráng lệ, khu tái định cư Hà My Đông trông nhỏ thó, khiêm nhường. Những ngôi nhà cấp 4, nhà tầng bắt đầu xây dựng. Những quán giải khát mọc lên ken dày, suốt ngày đông đúc thanh niên trai gái; người nhâm nhi ly cà phê nghe nhạc, người đánh cờ tướng, xem tivi. Các dàn âm thanh xập xình hết công suất.

Nhưng cũng trong nhiều ngôi nhà, những nông dân bó gối, hết đứng lại ngồi, người trông ra biển, người hướng ruộng xưa.

Cơ cực hơn

Bà Nguyễn Thị Hương, 59 tuổi, trầm ngâm: “Chú tưởng vào làng “rì-zọt” sung sướng lắm hả? Lo nhất là tính làm gì để có cái bỏ vào miệng những ngày sắp đến…”. Gia đình bà Hương có mười người. Trước đây có 1.100m2 đất ở và vườn cùng sáu sào lúa. Hết hai vụ lúa năm, xoay qua trồng rau, cải, gieo đậu, nuôi heo, gà. Gạo không lo, tiền nuôi trồng cũng thừa tiền chợ, dư dả chút đỉnh.

Nay bà bị thu hồi đất làm dự án du lịch, được đền bù gần 100 triệu đồng và bố trí hai khu đất 350m2 trong khu tái định cư. Tiền đền bù chỉ vừa đủ xây căn nhà cấp 4 diện tích 200m2 cho cả mười người ở. Từ ngày ra đây, hai vợ chồng bà thôi làm ruộng, trồng rau bởi không còn đất. Ba người con trai lưng dài vai rộng không có việc làm vì trình độ văn hóa thấp, không được nhận vào làm trong dự án. Hai người con dâu, một xuống biển mua cá lên chợ bán kiếm 10.000-15.000 đồng/ngày, người kia đang chạy tìm việc làm. Bà than thở: “Số lúa ăn đắp chuẩn bị vụ tới đang cạn dần. Hai vợ chồng không việc làm, chi phí trong nhà mưa gió sắp đến lấy đâu ra đây !”.

Cùng tình cảnh bà Hương có đến hơn 30 gia đình trong khu này. Rời ruộng, rời vườn, số già cả suốt ngày hết ăn lại ngủ, ngồi chống cằm nhìn ra đường. Số thanh niên rời cái cuốc, cái cày, không trình độ, không nghề “hết cửa” vào làm những việc đơn giản trong các resort đành ly hương, xa xứ làm ăn.

Ông Lê Văn Khuê – phó chủ tịch UBND xã Điện Dương – thừa nhận vấn đề này là bức xúc của xã. Ông liệt kê các dự án kín mít bờ biển như Trường Sơn, Sài Thành, Quyết Thắng, Kim Vinh, Bến Thành, bãi tắm Hà My, The Nam Hải, Việt Mỹ, La Vin… Những dự án này ban đầu đem đến cho cư dân địa phương niềm hi vọng đổi đời từ chỗ có việc làm! Song không phải vậy: ở những dự án hoàn thành, chưa đầy 20% dân bị giải tỏa, nhường đất được nhận vào làm.

Lão ngư gần 40 năm nghề đi biển Cao Văn Chát (58 tuổi, tổ 6, thôn Hà My Đông B) than dân làng này bám biển sống hàng trăm năm nay, giờ mấy cái “rì-zọt” xây dựng, đất không còn mà biển cũng “nghèo” luôn. Điều dễ thấy nhất là việc quy hoạch khép kín các resort dải bờ biển đã tạo một “hàng rào” bít đường ngư dân xuống biển. Ông Chát nói vùng này là biển ngang, dân chỉ có đi nghề mành ra biển, nay đi vòng qua các resort mất thêm gần một giờ. Các chuyến biển gần bờ cạn kiệt mực, ghẹ, cá nay phải vào bờ trễ. Ngư dân đem được con cá, con mực đến chợ đã trưa, không bán được.

Ngư dân làm nghề biển không ra, các nghề phụ thu mua thủy sản, xăng dầu, sửa ghe thúng cũng “treo” nghề. Làng xóm trở nên cơ cực hơn bên cạnh những resort tráng lệ.

Thất nghiệp và nghèo hơn

Ông Cao Văn Chát cho biết trong nhiều buổi tiếp dân từ đoàn đại biểu Quốc hội – HĐND – UBND tỉnh, dân làng Hà My Đông B không phản đối, mong muốn việc xây dựng resort sớm. Nhưng khi thu hồi đất phải tạo dựng cho dân an cư lẫn các điều kiện lập nghiệp hợp lý.

Ông Nguyễn Đắc (khu tái định cư Hà My Đông) giãi bày: thế hệ trên 50 tuổi sao cũng được nhưng phải giải quyết việc làm cho những người trong độ tuổi lao động.

Trong lúc đó, dự án sân golf trên 70ha và dự án khu du lịch Sông Hàn ở xã Điện Ngọc có gần 100 hộ di dời nhưng chỉ hơn 20 lao động phổ thông được nhận vào làm ở sân golf. Một tỉ lệ sử dụng lao động địa phương quá ít ỏi so với nhu cầu bức bách của các hộ dân bị thu hồi đất – ông Võ Lưỡng, phó chủ tịch xã Điện Ngọc, cho biết. Ông kể: “Các hộ bị thu hồi đất nay mất công ăn việc làm, cuộc mưu sinh trầy trật hơn. Thậm chí họ đã ăn thâm vào tiền đền bù, trở nên… nghèo hơn”. Hiện ở xã Điện Ngọc, hàng trăm thanh niên trên 35 tuổi phải ra Đà Nẵng tìm việc, một số vào phía Nam bởi ở địa phương việc thì ít, người ở không thì nhiều.

Theo ông Võ Lưỡng, khi bốn dự án resort gần 200ha bãi biển chạy dọc xã hoàn thành, bốn thôn Viêm Đông, Viêm Minh, Hà Dừa, Giang Tắc với vài trăm hộ dân sẽ bị đảo lộn cuộc sống. Chưa kể khi dự án ven sông Cổ Cò triển khai, sẽ có thêm 60 hộ dân làm nông phải xa ruộng. Còn ở xã Điện Dương, khi triển khai chục dự án resort ken dày gần 8km bờ biển, có đến 1.500 hộ giải tỏa trắng với khoảng 8.000 khẩu/13.000 dân của xã bị giải tỏa, di dời, đời sống sẽ xáo trộn đáng kể. Ông Lê Văn Khuê kiến nghị: “Cần xây dựng gấp các khu tái định cư với hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh để an dân bị giải tỏa, di dời. Vấn đề quan trọng không kém lúc này là phải có giải pháp hỗ trợ, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, ngư dân trên 40 tuổi còn sức lao động”.

VIỆT HÙNG (Theo Báo Tuổi Trẻ)

Tháng Mười Một 13, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nhà cổ Hội An: Lưu giữ dấu xưa

Hội An, khu phố cổ đẹp nhất miền Trung đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Hội An có những con phố hẹp, dài với những căn nhà cổ vài trăm năm tuổi nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa lũ, người dân sống trong những căn nhà cổ ở Hội An lại nơm nớp lo sợ ngôi nhà xưa này có thể sập bất cứ lúc nào. Vì sao không trùng tu các căn nhà cổ quý ấy?

“Sống trong sợ hãi”

Tính đến thời điểm cuối tháng 10-2008, Hội An phải căng lưng đối đầu với 5 trận lũ, trong đó trận lũ ngày 13 đến 17-10 vừa qua, nước dâng cao hơn 1 mét ở khu phố cổ  Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú. Nhiều ngôi nhà cổ với hàng trăm năm tuổi vốn đã xuống cấp nay lại càng rệu rã hơn khi phải ngâm trong nước. Những cây cột chống đỡ cho căn nhà đã xiêu vẹo bởi chân cột đã mục. Những mái ngói âm dương rêu phong đè nặng lên những rui mè, đòn tay đã oằn mình vì sức nặng của thời gian. Không chỉ chủ nhà mà ai cũng hiểu những căn nhà cổ kia có thể sập bất cứ lúc nào.

Phia trước căn nhà cổ số 10 - phố Nguyễn Thái Học.
Phía trước căn nhà cổ số 10 – phố Nguyễn Thái Học.

Cuối tháng 10 -2008, khi miền Trung phải “đón” cơn lũ thứ 5, chúng tôi đến Hội An và tìm đến gia đình ông Trần Văn Sung (64 tuổi) với 11 người cả con cháu, dâu rể sống trong căn nhà cổ số 96 đường Bạch Đằng.

Mái ngói đã cũ nát, gia đình ông Sung phải che bạt để tránh nước mưa mới ngủ được. Những mái kèo bị gãy, cột bị mục đứt chân khiến mọi người chỉ lo nhà sập đè chết người, nhất là khi mùa lũ như thế này. Gia đình ông Sung đã phải dùng cây gỗ chèn, chống tạm bợ cho căn nhà.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sung cho biết – Theo thiết kế và tính toán của Trung tâm Bảo tồn di tích Hội An, để trùng tu căn nhà này phải mất hơn 200 triệu đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 45%, còn lại gia đình đóng góp. “Nhưng gia đình tui buôn bán nhỏ như ri thì lấy đâu ra số tiền lớn hàng trăm triệu để góp với nhà nước mà sửa nhà?

Hiện nay gia đình tui đang chạy vay mượn tiền để trùng tu cho đỡ sợ”, ông Sung nói giọng lo lắng. Ngoài căn nhà số 96 Bạch Đằng của ông Trần Văn Sung còn có căn nhà số 5 đường Nguyễn Thái Học của gia đình bà Châu Thị Dung, nhà số 10 đường Nguyễn Thái Học của gia đình ông La Gia Hồng cũng lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng và gia cảnh khó khăn như gia đình ông Sung. Sau cơn lũ ngày 17-10 vừa qua, căn nhà cổ 3 gian (ở số 10 đường Nguyễn Thái Học) đã xuống cấp trầm trọng khi 1/3 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Cây cột trước nhà bị nước lũ làm “đứt ngang” vừa được nối lại bằng nhiều mảnh gỗ khác nhau. Ngoài phần ngói phía nhà trước còn có vẻ tươm tất thì phần ngói phía nhà sau đã xộc xệch đến nỗi có thể thấy trời xanh, dù đang ngồi trong nhà. Theo Trung tâm bảo tồn di tích Hội An (TT BTDT HA), để trùng tu căn nhà này cần 500 triệu đồng, nhà nước sẽ hỗ trợ 55% kinh phí, phần còn lại do gia đình đóng góp. Để có thể được sống bình an trong căn nhà đã có từ nhiều đời qua, gia đình này đã phải vừa vay mượn vừa cầm sổ đỏ để có tiền trùng tu căn nhà ba gian vốn rất đẹp này.

Nghịch lý trùng tu

Còn nhớ, mùa lũ năm 2004, căn nhà cổ số 48 đường Bạch Đằng đã bị sập hoàn toàn kéo theo 4 căn nhà bên cạnh bị hư hỏng nghiêm trọng. Cũng từ đây, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND thị xã Hội An (nay là UBND thành phố Hội An) đã xây dựng đề án “Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích Hội An” trình Chính phủ với danh sách 82 ngôi nhà cổ cần được trùng tu khẩn cấp, trong đó có 52 căn của tư nhân, 30 căn của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong 4 năm qua, nhiều căn nhà vẫn không thể trùng tu được. Nguyên nhân gây ách tắc lộ trình trùng tu phố cổ là do vướng mắc khâu thẩm định 52 căn nhà tư nhân. Đến nay, chỉ có 50% chủ các nhà cổ (tư nhân) đồng ý trùng tu. Trong 50% nhà còn lại có 26 căn nhà cổ thuộc diện cần “tu bổ khẩn cấp” mà chủ nhân không đồng ý hoặc không có khả năng tài chính khiến việc trùng tu gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc TT BTDT HA cho biết: Một trong nhiều nguyên nhân khiến quá trình trùng tu nhà cổ tư nhân gặp khó khăn là do sự sở hữu không rõ ràng, đặc biệt là các nhà thờ tộc với nhiều chủ cùng sở hữu.

“Giao tiền của tui để sửa nhà của gia đình tui cho người khác quản lý, vậy sao được ?”. Hàng chục chủ nhân các ngôi nhà cổ đã nói thế.

Nguy cơ “hiệu ứng đô-mi-nô”

Một số nhà nghiên cứu về Hội An lo lắng: việc trùng tu nhà cổ ở Hội An hiện nay cần phải cân nhắc kỹ, nếu không thì nguy cơ sụp đổ hàng loạt nhà cổ sau khi trùng tu một vài căn nào đó là khó tránh khỏi. Theo kết cấu xây dựng nhà ở phố cổ Hội An ngày xưa là “xông liền xông, mái liền mái” (“xông” là “bức tường” theo cách gọi của người Quảng Nam).

B.H.
Phố cổ Hội An trong lũ. Ảnh: B.H.

Chính nhờ kết cấu ấy mà các nhà cổ Hội An có thể chống chọi được với lũ bão nhiều năm qua. Một điều khiến những nhà nghiên cứu và những người yêu vẻ đẹp mộc mạc, cổ kính của các căn nhà cổ ở Hội An lo lắng là nhiều doanh nghiệp và tư nhân có tiền ở các nơi về mua các căn nhà cổ để mở nhà hàng.

Như đã nói trên, các căn nhà cổ bền vững với thời gian là nhờ kết cấu “xông liền xông, mái liền mái”, nhưng để mở rộng kinh doanh, buôn bán, các doanh nghiệp thường mua 3 đến 4 căn liên tiếp rồi cơi mái, đục tường nhà để tạo sự liên thông các ngôi nhà. Chính điều này đã làm cho nhiều nhà cổ gần đó yếu đi và các căn nhà cổ khó có thể “nương nhau” mà chống chọi với bão, lũ, nếu có xảy ra.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà chuyên môn, các cấp chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc trùng tu, để tránh cho khu phố cổ rơi vào nguy cơ một nhà bị sập có thể dẫn đến việc sập hàng loạt căn nhà liền kề bởi chủ nhà mới đã tự ý thay đổi kết cấu. Nhiều năm qua, việc trùng tu nhà cổ Hội An được các ngành chức năng hết sức quan tâm. Tuy nhiên, việc trùng tu phải đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình kỹ thuật kỹ càng, nếu không, sẽ khó có thể giữ gìn nguyên vẹn một Hội An có giá trị như hiện nay.

Bảo tồn những khu phố cổ ở Hội An là việc làm cấp thiết của mọi người, mọi cấp; bởi đó không chỉ là giữ gìn những căn nhà mà chính là giữ lại hồn xưa cho muôn đời sau.

Nguyên Khôi (Theo Sài Gòn giải phóng)

Tháng Mười Một 8, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Quảng Nam ngập lụt do mưa lớn

Từ 10/10/2009, liên tiếp trong ba ngày qua , mưa lớn và liên tục đã làm một số vùng ở Quảng Nam bị ngập nặng.

Đến chiều 12-10, tỉnh Quảng Nam đã có 14 nhà dân bị sập hoàn toàn, hơn 1.420 nhà dân bị ngập sâu trong nước, hơn 1.000ha lúa gieo bị hư hại, 127ha đất sản xuất lúa bị bồi lấp, 1.193ha rau màu các loại bị ngập hư hại hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 25 tỉ đồng.

Mưa lớn làm ng�p các tuyền phố thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Mưa lớn làm ngập các tuyền phố thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Mưa lớn gây sạt lở đường giao thông, chia cắt nhiều xã ở các huyện vùng cao. Tại Phước Sơn, tuyến đường vào hai xã Phước Kim, Phước Thành, huyện Phước Sơn, hoàn toàn bị tê liệt, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Đông Giang đi Tây Giang đã có đến ba điểm sạt lở nặng với hàng trăm mét khối đất đá đổ ập lên mặt đường, bốn xã là Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm và Phước Ninh của huyện Nông Sơn bị cô lập. Mưa lớn, hình thành lũ uy hiếp hơn 150 hộ dân ở khu vực kè sông Quảng Huế thuộc huyện Đại Lộc

HOÀNG DUY

Nước lũ đã vượt sông Hoài, nước cao hơn mặt cầu Hội An - Ảnh: HOÀNG DUY

Ở khu vực nội thị, nhiều tuyến đường chính thành phố Tam Kỳ chìm sâu trong nước. Ngã tư Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Thái Học nước ngập trên một mét. Tại thị xã Hội An, nước từ thượng nguồn của các sông lớn ở Quảng Nam ào ạt đổ về hạ lưu sông Thu Bồn, vượt sông Hoài, băng qua mặt cầu Hội An, gây ngập lũ cục bộ trên diện rộng.

VÕ TRƯỜNG

Những xóm nhà ven quốc lộ 1A đoạn qua xã Bình An, huyện Thăng Bình (vùng tiếp giáp với TP Tam Kỳ) nước ngập vào nhà dân từ 1-1,5m - Ảnh: VÕ TRƯỜNG

Tuyến quốc lộ 1A, nước lũ tràn qua nhiều đoạn thuộc Kỳ Lý (huyện Phú Ninh), Quán Gò (huyệnThăng Bình), Bà Rén (huyện Quế Sơn)…

Hà Phan tổng hợp 

Tháng Mười 13, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Bắp luộc Hội An “bay” sang tận Mỹ

Phố Hội (Quảng Nam) tự hào vì có những món ẩm thực dân dã được bảo tồn, phát triển mạnh. Trong đó, có bắp luộc, bắp nướng thơm ngon nức tiếng. Du khách mỗi lần đến Hội An có dịp thưởng thức, đều nhớ mãi cái dư vị ngòn ngọt tự nhiên của bắp… Và bây giờ hương bắp phố Hội đã “bay” sang cả thị trường ẩm thực Mỹ.

“Nghệ danh” từ… bắp

Hội An, mỗi lần đi dạo trên những con đường nép mình trong nếp phố rêu phong cổ kính, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh rất đỗi giản dị của những người dân quê đang bán bắp luộc, bắp nướng. Giữa một khu phố náo nhiệt “ta, tây”, cái chất giọng rao bán Quảng “Nôm” đặc sệt, lâu lâu lại cất lên vài lời rao tiếng Anh, Nhật, Trung, Thái… Vậy mà có thể “làm cứng chân” bất cứ ai khi đi ngang qua quang gánh bắp bốc mùi thơm lựng.

Chẳng mấy ai có “cơ duyên”, “may mắn” được thưởng thức hương vị bắp luộc... mới ra lò ở lò bắp của bà Trúc

Chẳng mấy ai có “cơ duyên”, “may mắn” được thưởng thức hương vị bắp luộc... mới ra lò ở lò bắp của bà Trúc

Nổi tiếng trong số những hàng bắp là bà Lê Thị Trúc ở làng Xuyên Trung, phường Cẩm Nam. Người Xuyên Trung ghép tên bà với sản vật đã làm nên “tên tuổi” của bà và gọi đến thân thuộc “bà Trúc bắp”. “Cái tên nớ gắn với cuộc đời tôi như định mệnh rồi”, bà Trúc cười tươi kể. Người dân làng Xuyên Trung nói, dù làng có nhiều lò bắp nhưng không lò nào ngon qua lò bà Trúc. Có người trong làng đã học theo cách luộc của bà nhưng không sao giống và thành công như bà. Lò bắp của bà có nhiều bạn hàng nhất trong làng.

Làng Xuyên Trung có nghề luộc bắp nổi tiếng tự bao đời. Các bậc cao niên trong làng bảo không biết nghề luộc bắp của làng có từ khi nào. Chỉ biết rằng ngày các cụ sinh ra là đã thấy bà, thấy mẹ làm cái nghề này rồi. Ngày xưa nhà nhà làm nghề bắp luộc. “Bây giờ làng này tập trung lại vào 6 lò luộc bắp. Nhiều nhà bỏ nghề vì đất trồng bắp ngày bị thu hẹp dần, sản lượng ít. Vả lại, chỉ có ai tâm huyết mới giữ nghề gia truyền. Làm cái nghề ni chỉ đủ sống qua ngày”, bà Trúc tâm sự. Bắp làng Xuyên Trung thơm ngon nức tiếng nên được mang đi bán khắp nơi. Bà Trúc bảo bây giờ khắp xứ Quảng Nam – Đà Nẵng, đâu đâu cũng có bán bắp Xuyên Trung. Mỗi ngày, cả 6 lò bắp của làng “đỏ lửa” thì nấu được gần 20.000 trái.

Bắp làng Xuyên Trung được trồng ở Bãi Bồi và Bãi My, hai cồn cát nổi trên con sông Thu Bồn thơ mộng. Để có bắp nấu, các lò nấu ở Xuyên Trung còn phải sang thu mua tận bên xã Cẩm Kim. Mỗi năm các lò bắp trong làng hoạt động chừng 9 tháng. Từ độ rằm tháng chạp năm trước đến Trung thu năm sau là kiệt bắp. Đến mùa lụt, đất bị chìm sâu trong nước, hết trồng được.

Bắp Xuyên Trung “bay” sang Mỹ

Nghề luộc bắp của làng Xuyên Trung có cả trăm năm trước nhưng không phải ai cũng nấu được bắp ngon. Theo bà Trúc thì mỗi gia đình có một bí quyết riêng do ông bà, cha mẹ để lại. Muốn có được một nồi bắp ngon, bắt buộc người luộc phải tuân thủ quy trình. Ngay từ khâu bẻ, trái bắp phải được bẻ đúng thời điểm (khi râu đã quăn, lá bắp đã ngã màu). Nếu bẻ sớm hoặc muộn hơn, trái bắp không được ngon. Đặc biệt phải bẻ vào ban đêm. Từ 1g khuya thắp đuốc đi bẻ đến 3g sáng. Giờ này, trái bắp hấp thụ mọi dinh dưỡng và nước. Khi bắp về phải nấu ngay.

Để  trái bắp được ngọt, tuyệt đối không được để bắp từ khi bẻ đến khi luộc quá 5 giờ. Khi luộc bắp cũng phải ngồi trực như… trông con dại vậy! Kinh nghiệm để có nồi bắp giữ được mùi thơm, ngon thì đun ngọn lửa nhỏ, vừa phải, tuyệt đối không để lửa to.

Để bắp có đậm mùi, mỗi nồi được nêm muối và đường phèn. Bình quân, nồi bắp khoảng 1.000 trái cần cho vào 2kg đường phèn, 2kg muối. Ngay cả thêm nước trong quá trình luộc cũng phải đúng bài. Làm sai một trong các công đoạn trên thì coi như nồi bắp đó bỏ đi.

Bà Trúc cho hay, tiếng lành đồn xa, ai đến Hội An cũng tìm đến mua bắp nấu của bà Trúc về làm quà. Hai năm trước, một vị khách ở thành phố Hồ Chí Minh đến Hội An và biết được “vị” bắp nổi tiếng của bà. Thế rồi, bất ngờ ông này đại diện cho Công ty Searefico đặt vấn đề kết hợp với bà xuất khẩu bắp sang Mỹ. “Nghe nói xuất khẩu bắp mà tôi nổi da gà. Bao đời nay, cả làng Xuyên Trung chỉ nấu bắp bán dạo, làm chi có chuyện xuất khẩu cho người Mỹ ăn đâu”, bà nhớ lại.

Nghe chuyện lò bắp của bà Trúc sẽ là đối tác của một đơn vị để xuất khẩu sang tận Mỹ, cả làng không ai tin. Có người còn bảo, biết đâu ông khách kia lừa. Nhưng rồi chỉ vài ngày sau, ai ai cũng ngỡ ngàng khi thấy bà giao “mẻ” hàng đầu tiên cho khách. Từ đó, cứ mỗi tháng hai lần, bà cung ứng bắp theo đúng hợp đồng để xuất khẩu đi Mỹ. Một tay lo không xuể, bà huy động “nhân viên” là các con trong gia đình, tạm bỏ nghề đang làm, về giúp một tay. Cậu con trai Võ Văn Công nay đã về ở hẳn với bà để “tính toán” chuyện mần ăn “với Mỹ”.

“Hồi trước thì vất vả thật, bây giờ cả nhà tôi đã đỡ hơn nhiều rồi. Không biết người Mỹ ăn bắp của mình khen chê thế nào? Còn tôi, lo cho đủ hàng xuất theo chuyến, tóc cứ bạc dần mấy chú à!”, bà cười sảng khoái, tự hào.

MINH HẢI (Theo SGGP Online)

Tháng Chín 12, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài cuối): Góp một viên gạch cho tiền nhân

Phan Châu Trinh viết trong “Tỉnh quốc hồn ca”: “Ra vào vạn tử nhất sanh/Chết cho ngàn thuở bia danh mới là…”. Đấy là sự lựa chọn quyết liệt ngay từ lúc đang sống của phần lớn danh nhân, chí sĩ xứ Quảng.

Nhưng dẫu tiền nhân chỉ cần “bia danh”, hậu thế vẫn không có “quyền” quên lãng. Tìm kiếm một lối ứng xử phù hợp với người đã khuất cũng chính là nghĩa cử nghiêm cẩn nhất trước lịch sử…

“Đời thường” phía sau tên tuổi

Tuy mộ của Mai Dị được cắm mốc di tich, nhưng do “tiếc” đất bỏ trống nên người dân đã tranh thủ trồng trọt!

Tuy mộ của Mai Dị được cắm mốc di tích, nhưng do “tiếc” đất bỏ trống nên người dân đã tranh thủ trồng trọt!

Chúng tôi đã đi qua phần lớn các nơi chốn mà danh nhân, chí sĩ xứ Quảng đang yên nghỉ, để phác họa đôi nét câu chuyện mồ mả. Cái chết, với nhiều danh nhân, đơn giản chỉ là một lẽ “sống gửi thác về”. Ngay chính con người “nhất tử thành danh” Hoàng Diệu cũng “đâu dám nói chết là trung nghĩa” – như trong Di biểu cụ viết gửi về triều đình Huế trước khi tuẫn tiết tại thành Hà Nội… Nhưng, vẫn còn đó những vướng bận đời thường khác đang nằm bên ngoài tấm “bia danh” truyền đời, rất đỗi bình thường như chuyện tu sửa, cải táng…

Có một “điển hình” về di dời lăng mộ 3 nhân vật lừng danh ở cùng xã Điện Phước (Điện Bàn) mà chúng tôi chưa có dịp chép hầu quý độc giả: Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành Ý và Mai Dị. Hành trạng của tiến sĩ Trần Quý Cáp và cụ cử Mai Dị kể cũng đã rõ. Còn Nguyễn Thành Ý (1819-1897) vẫn thường biết đến là nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa” (5 anh em trong gia đình cùng đỗ đạt). Ông chính là nhà ngoại giao cuối triều Tự Đức, được cử làm lãnh sự ngoại giao đầu tiên của Việt Nam ở Sài Gòn năm 1875 trong bối cảnh Nam Kỳ đã trở thành thuộc địa của Pháp. Hai năm sau lại làm trưởng đoàn dự Hội chợ đấu xảo tại Paris – Pháp… Con người ấy, theo thời cuộc đẩy đưa, đã mất lặng lẽ tại quê nhà.

Mộ của Nguyễn Thành Ý - nhân v�t trong “Ngũ t� đăng khoa” khiêm nhường và nhỏ bé đến kinh ngạc.

Mộ của Nguyễn Thành Ý - nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa” khiêm nhường và nhỏ bé đến kinh ngạc.

Nhưng thật kinh ngạc khi bước vào nghĩa địa Gò Bướm (thôn Nhị Dinh 2, xã Điện Phước), người dẫn đường chỉ vào một nấm mộ bé nhỏ, bảo: “Mộ cụ Nguyễn Thành Ý đấy!”. Cách đấy vài chục mét, nếu lăng mộ cụ Trần Quý Cáp đồ sộ, cao hơn 7 mét thì nấm mộ cụ Nguyễn Thành Ý vỏn vẹn cao chưa đầy 0,5 mét. Tấm bia chừng 1 mét cũng gãy đôi được “gắn” lại, nằm lẫn trong cây cỏ giữa một nghĩa địa san sát mộ… Bảo tàng Quảng Nam từng dự tính hỗ trợ xây một nhà bia (tương tự nhà bia của Phan Bá Phiến) để hậu thế “biết” về một nhân vật trong “Ngũ tử đăng khoa”, nhưng rồi mọi chuyện rơi vào im lặng do phía gia tộc chưa thuận ý…

Ở thôn Nông Sơn gần đấy, mộ cụ Mai Dị cũng không khá hơn: một di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh có tổng diện tích (đã cắm mốc) 459m2 đang khuất lấp trong ruộng bắp. Vì thế, huyện Điện Bàn quả quyết cần di dời cả 3 mộ cụ Trần, cụ Mai, cụ Nguyễn đến địa điểm mới cạnh Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Điện Phước. Nhưng tất cả chỉ là ý tưởng: hoặc phải xin ý kiến từ Bộ VH-TT-DL đối với mộ Trần Quý Cáp (di tích cấp quốc gia), hoặc còn chờ sự “đồng thuận” của gia đình hai cụ Nguyễn Thành Ý và Mai Dị.

Một cán bộ chuyên lo công tác kiểm kê, theo dõi các lăng mộ tiền nhân tuyến huyện than phiền rằng, chỉ cần một năm sau quay lại viếng hương các cụ đã có thể bị “lạc” bởi một rừng bia mộ mới. Đất cho người chết ngày càng chật chội, nên các di tích lại càng cần có quy hoạch ban đầu nếu không muốn phải cải táng bất đắc dĩ… Mà ở Quảng Nam, không phải trường hợp cải táng nào cũng suôn sẻ như của tiến sĩ Trần Văn Dư (1839-1885), người lãnh đạo đầu tiên của Nghĩa hội Quảng Nam. Từ một nấm mộ đơn sơ chôn trong vườn nhà ở Tam An (Phú Ninh), hài cốt cụ Trần đã được cải táng ra khuôn viên cạnh tháp Chiên Đàn ngay trên quốc lộ 1A, trông khá thoáng đãng và trang nghiêm. Sự “suôn sẻ” ấy có phải là phúc phận riêng của mỗi cụ?

Góp một viên gạch…

Khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ đang được mở rộng, một điển hình của sự chia sẻ giữa gia tộc với Nhà nước.

Khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ đang được mở rộng, một điển hình của sự chia sẻ giữa gia tộc với Nhà nước.

Nhưng chút “đời thường” ấy chưa hẳn đã đáng suy tư bằng việc: có hay không chuyện một số tiền nhân cùng lăng mộ của họ bị rơi vào quên lãng? Truy cập vào website của ngành du lịch Quảng Nam (www.quangnamtourism), di tích danh nhân xứ Quảng chỉ đề cập vỏn vẹn có 6 vị, gồm Đoàn quý phi, Hoàng Diệu, Trần Văn Dư, Phạm Phú Thứ, Phan Thành Tài, Tiểu La Nguyễn Thành. Xin nhắc lại, trên địa bàn Quảng Nam hiện có đến 30 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia, chưa kể nhiều nhân vật nổi danh khác nữa… Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa-du lịch khẳng định, ngoài sách về di tích, thắng cảnh, thông tin về danh nhân chí sĩ Quảng Nam hiện phải trông cậy vào phương tiện thông tin đại chúng và qua chương trình lịch sử trường học, lịch sử địa phương. Quảng bá tên tuổi đã khó, nên chuyện giữ gìn lăng mộ càng không dễ. Lẽ tất nhiên Nhà nước đang cần đến sự chia sẻ từ phía gia tộc và xã hội. Nhưng có một sự thực, phía Bảo tàng Quảng Nam muốn biết các di tích ấy có xuống cấp hay không, còn phải… chờ “cơ chế” đề xuất từ tuyến huyện.

Và câu hỏi “Lấy đâu ra kinh phí trùng tu?” cũng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Có tài liệu chép rằng, sau khi nấm mộ chôn chung hai chí sĩ Trần Cao Vân, Thái Phiên tại Huế được tiết lộ (giai đoạn 1956-1957, như đã đề cập trong kỳ 2 loạt bài này), thời điểm ấy nhiều sinh viên Văn – Sử đã phác họa chương trình “Mỗi học sinh Huế một viên gạch cho ngôi mộ Thái Phiên – Trần Cao Vân”. Công việc dang dở thì Huế giải phóng… Trong điều kiện Quảng Nam hiện có quá ít lăng mộ danh nhân, chí sĩ trùng tu hoàn thiện, còn lại phần lớn hư hỏng hoặc chưa được biết đến… thì đây quả là ý tưởng thú vị, đầy tính nhân văn và còn nguyên tính thời sự. Phong trào “Mỗi người góp một viên gạch cho tiền nhân” vừa tạo điều kiện vật chất để tu sửa vừa khơi gợi ý thức của xã hội. Đã đến lúc phong trào “2 trong 1” này được khởi động, tại sao không?

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Đinh Hài:
Ý tưởng “Góp một viên gạch…” có thể thực hiện được !
Ý tưởng “Một viên gạch cho tiền nhân”, theo tôi rất tốt. Vì đấy chính là nghĩa cử, một cách để giáo dục lịch sử và có thể thực hiện được. Quảng Nam có nhiều danh nhân, chí sĩ, thời gian qua các địa phương và gia tộc đã làm được nhiều việc. Tuy nhiên, cần có kế hoạch soát xét chung để làm từng bước. Muốn có kinh phí, phải huy động cả ba nguồn : gia tộc, ngân sách nhà nước và xã hội. Huy động nguồn lực xã hội rất quan trọng, bởi ngân sách nhà nước có hạn. Nhưng theo tôi, vấn đề không hoàn toàn xuất phát từ tiền, mà là nghĩa cử, giáo dục.
Với các bậc tiền nhân, mộ lớn hay nhỏ không phải được “đo đếm” về qui mô xây dựng, mà phải là ở sự hiểu biết của cộng đồng, sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với chính con người đó như thế nào. Mộ là biểu hiện của phần “vật thể”, nhưng cần đặt trong mối quan hệ với phần “phi vật thể”, tức ý thức và sự ảnh hưởng.

*
* *

Rất có thể, ai đó sẽ cho rằng lo “chuyện người sống” bây giờ còn bất cập, huống hồ để tâm đến “chuyện người chết”. Nhưng lịch sử là một sợi dây xuyên suốt quá khứ hiện tại tương lai, và chuyện nấm mồ cho người đã khuất còn biểu hiện nghĩa cử của người đang sống. Với những danh nhân, chí sĩ có chỗ đứng nhất định trong lịch sử, trở thành biểu tượng về văn hóa… thì xã hội càng không thể thoát ly trách nhiệm. Ứng xử với tiền nhân cũng là cách chúng ta tự thể hiện mình cho thế hệ tương lai soi vào. Hãy bắt đầu từ niềm tôn kính sâu xa nhất, và bằng một công việc nhỏ nhất!

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 24, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài 5): “Cười” cùng Thủ Thiệm

Một người từng dẫn quân của Nghĩa hội đánh nhau nhiều trận với quan quân triều Nguyễn. Một người cười cợt suốt dải đất Quảng Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Họ sinh cách nhau 16 năm chẵn, giờ chỉ “nằm” xa nhau một đoạn đường không dài và một chuyến đò ngang, cùng với… rất nhiều nỗi niềm.

Ngôi mộ trên triền cát

Mộ c�� nhân Phan Bá Phiến nằm tịch mịch trên nổng cát.

Mộ cử nhân Phan Bá Phiến nằm tịch mịch trên nổng cát.

Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam từng chọc trời khuấy nước “dựng Quảng Nam gần thành như một nước” trong giai đoạn 1885-1887, như Khâm sứ Trung kỳ Jean Baille nhận xét. Cùng với Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu (Hường Hiệu), chí sĩ Phan Bá Phiến (1839-1887) trở thành nhân vật quan trọng của phong trào Nghĩa hội. Nhân dân quen gọi là Án Hổ bởi cụ từng được phong chức Án sát sứ của Nghĩa hội. Cụ Phan sinh ra ở làng Kỳ Lược, nay thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, đỗ cử nhân năm 1882, giữ chức Tri huyện Phù Cát (Bình Định) chỉ một thời gian ngắn rồi từ quan.

Nghĩa hội thất bại năm 1887, nhưng dư âm của những trận đánh do Án Hổ chỉ huy ở cánh nam, Hường Hiệu chỉ huy ở cánh bắc… vẫn còn vang vọng. Đặc biệt là cái chết của hai cụ. Khi tình thế không thể cứu vãn, họ đã bàn nhau để đi “một nước cờ” lạ: Án Hổ chết trước, sau đó Hường Hiệu giải tán nghĩa quân rồi tự để cho giặc bắt nhưng quyết che giấu tổ chức cách mạng, “… và như vậy là hai chúng ta như không bao giờ chết cả”. Cuối cùng Án Hổ tuẫn tiết bằng thuốc độc luôn mang sẵn bên người vào ngày mùng 5-8 âm lịch, 10 ngày sau Hường Hiệu cũng lên đoạn đầu đài ở Huế…

Đầu tư xây dựng mộ Thủ Thiệm và Phan Bá Phiến trong năm 2009
Trong công văn số 2732/UBND-VX ngày 30-7-2008, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đầu tư và bố trí vốn trong kế hoạch năm 2009 để hỗ trợ Núi Thành xây dựng mộ cụ Thủ Thiệm, “nhằm ghi nhận, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể : Thủ Thiệm – tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau”. Lăng mộ chí sĩ Phan Bá Phiến tỉnh cũng được giao bố trí trong kế hoạch năm 2009.
Cả hai dự án cần hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trước 31-10-2008, lấy ý kiến thống nhất của gia tộc và huy động sự đóng góp của cộng đồng.

Trên nấm mộ cũ Phan Bá Phiến vẫn lưu giữ được tấm bia dựng năm

Trên nấm mộ cũ Phan Bá Phiến vẫn lưu giữ được tấm bia dựng năm "Bảo Đại thập nhất niên".

Một ngày mưa rả rích, chúng tôi tìm đến triền cát thôn Bảo Long, xã Tam Tiến. Mộ cụ Án Hổ nằm đó, trông khá cô tịch giữa nổng cát. Ông Phan Thanh Trình, 60 tuổi, cháu 3 đời của cụ Án Hổ cho hay đã qua 3 lần mới dời mộ cụ cố lên vị trí này, chủ yếu để tránh ngập lụt… Sau khi uống thuốc độc tự vẫn để khỏi rơi vào tay giặc, cụ Phan Bá Phiến được bí mật an táng nhưng giặc Pháp vẫn biết được và hành xử rất dã man: quật xác lên, bêu đầu đóng cọc ở cầu Câu Lâu! Đến khi gia đình mang được xác cụ về lại quê cũ, người dân cánh bắc Quảng Nam còn phải lập 2 ngôi “mộ gió” khác ở Quế Sơn và Trà Kiệu để đánh lừa thực dân Pháp. Kể từ đó, cụ Án Hổ mới “yên thân” với giặc, dẫu rằng hậu sự hãy còn lận đận vài lần nữa vì cải táng…

Với con người từng coi khinh cái chết như Án Hổ, chuyện lo nghĩ về một nấm mộ – dù lớn hay nhỏ – để bao bọc nắm xương tàn hẳn là điều vô nghĩa. Nhưng con người ấy, hành trạng ấy, nhân cách ấy đang phải náu thân nơi nấm mộ sơ sài suốt bao nhiêu năm qua cũng không thể khiến những người hữu sự bàng quan. Từng được kiểm kê di tích từ năm 1978-1979, nhưng mãi đến năm 2006, một nhà bia khắc dòng chữ “Di tích lịch sử, mộ cử nhân Phan Bá Phiến” mới dựng lên với sự hỗ trợ của Bảo tàng Quảng Nam. Còn nấm mộ cũ phía sau trông khá cũ nát, nơi lưu giữ tấm bia dựng năm thứ 11, triều vua Bảo Đại, và lời tán thán của cụ Phan Bội Châu: “Sống hiếu chết trung. Vì nước sống đẹp, vì dân chết oanh liệt. Ông quả có đủ hai đức sáng và trung kiên”.

Hý lộng Tam Hòa

Viếng mộ Thủ Thiệm trong mưa, phia sau đã là C��a Lở.

Viếng mộ Thủ Thiệm trong mưa, phía sau đã là Cửa Lở.

Đi thêm một quãng đường không quá dài từ Tam Tiến và qua một lần đò trên sông Trường Giang mới đến mộ Thủ Thiệm (Nguyễn Tấn Nhơn) ở thôn 5 Tam Hòa. So với cụ Án Hổ, Thủ Thiệm sinh sau 16 năm, mất sau 33 năm và tuổi thọ hơn 18 năm. Với con người trào lộng như Thủ Thiệm (đặc biệt là giai thoại “Đến chết, Thủ Thiệm vẫn là Thủ Thiệm”), có lẽ mọi “hơn thua” ấy đều xóa nhòa dưới ba tấc đất.

Song những gì tận mục sở thị đã không cho khách được “cười” lâu. Nằm quay mặt ra con đường liên thôn, sát phía sau đã là Cửa Lở, mộ Thủ Thiệm bình dị, thoáng nét phóng khoáng trong lối bài trí, xung quanh có tường thấp nhưng ở giữa vẫn nguyên vẹn nấm mộ cát. Cụ nằm đó, “vô danh” như bất cứ ông già nào đấy của xứ Bình Đình xưa. Không có bất cứ dấu hiệu nào để nhận biết nơi đây là chốn dừng chân của một hiện tượng độc đáo xứ Quảng… Bà Nguyễn Thị Tư, 70 tuổi – cháu dâu đời thứ 3 của Thủ Thiệm – quả quyết rằng nấm mộ ấy có từ trước ngày bà theo chồng về đây. Còn trong trí nhớ của ông Nguyễn Tấn Cự, hậu duệ trực hệ đời thứ 4 đang lo phần hương khói Thủ Thiệm, thì mộ cụ cố ban đầu xây bằng vôi. Sông Trường Giang cứ xâm thực buộc con cháu Thủ Thiệm dù không di dời mộ vẫn phải xây dựng lại tổng cộng 3 lần, lần xây “gần” nhất cũng đã 38 năm rồi! Và thật ngạc nhiên khi người cháu trực hệ 73 tuổi ấy phân trần: “Mộ cụ cố Thủ Thiệm đều do… mấy người đàn bà ở nhà làm. Thì con cháu là đàn ông đi kháng chiến hết, còn mô?”.

Cháu gái 5 đời của Thủ Thiệm bên mộ cụ tổ.

Cháu gái 5 đời của Thủ Thiệm bên mộ cụ tổ.

Cũng nên nhắc lại, từ 25 năm trước, một số truyện cười Thủ Thiệm đã được sưu tầm, giới thiệu khiến nhân vật dân gian này có một chỗ đứng nhất định trong tâm thức người dân xứ Quảng. Và khi cuốn “Thủ Thiệm – Tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng” xuất bản tháng 11-2007, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn đã có một tập hợp đầy đủ nhất về Thủ Thiệm. Người xứ Quảng có lẽ ai cũng từng được nghe kể ít nhất một câu chuyện cười Thủ Thiệm, nhưng lăng mộ lại là… vấn đề khác. Thậm chí, một cán bộ văn hóa của tỉnh khi được đề cập chuyện mộ Thủ Thiệm liệu sẽ được công nhận di tích lịch sử -văn hóa cấp tỉnh không đã buông một câu hỏi ngược đến sửng sốt: Thủ Thiệm có “công trạng” gì? Dẫn ra thêm những qui định chung đối với các di tích như sự kiện (chưa tiêu biểu), tư liệu (chưa đầy đủ), xem ra “tương lai” nấm mộ cụ Thủ Thiệm còn như một câu chuyện hý lộng trên đất Núi Thành…

*
*                *

Nhưng nỗi niềm ấy giờ có thể được giải tỏa phần nào. “Thủ Thiệm đâu còn là của riêng Núi Thành nữa, cụ Phan Bá Phiến cũng vậy! Huyện đã rất nhiều lần đề nghị lên tỉnh, lần này hy vọng sẽ khả quan” – Trưởng phòng VH-TT Núi Thành, ông Nguyễn Văn Xứng, chia sẻ. Tộc họ và địa phương đã thống nhất dời mộ cụ Thủ Thiệm cách 500 mét so đến khu đất mới có diện tích 1.700m2, để tránh nguy cơ bị xâm thực và thuận lợi cho chuyện thăm viếng. Dự án xây dựng mộ cụ Phan Bá Phiến cũng đang lập với kinh phí dự kiến 500 triệu đồng… Sau bao nhiêu năm hai con người ưu tú ấy nằm vùi trong cát, bao nhiêu lần con cháu hai cụ than phiền rằng “cứ nghe nói sửa mộ hoài nhưng chưa thấy làm”, đã đến lúc hậu thế bổ sung một câu-chuyện-có-hậu vào kho tàng những câu-chuyện-cười của Thủ Thiệm?

Bài cuối: Góp một viên gạch cho tiền nhân

Tự thân nhiều cái chết lẫy lừng đã tạc “bia danh” vào tâm thức con người mà chẳng cần đến một dòng công trạng ghi trên mộ chí. Nhưng chúng ta có “quyền” lãng quên nơi họ đang yên nghỉ hay không?

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 20, 2008 Posted by | 1. Xã hội | 1 bình luận

Nơi tiền nhân yên nghỉ (bài 4): Gởi thân xứ người

Nhiều danh nhân xứ Quảng vì lý do khác nhau đã thác ở xứ người. Sau đó, hoặc họ được cải táng, “qui cố hương” thầm lặng suốt chiều dài gần trăm năm qua; hoặc nơi chốn mà tiền nhân gửi lại thân xác ấy giờ đã “hóa tâm hồn” trong tâm thức người dân Việt…

Gió lộng trên núi Thiên Ấn

Viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Viếng mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi).

Quảng Nam không chỉ có “Ngũ phụng tề phi”. Theo nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, xứ Quảng còn có “Lục phụng bất tề phi”. Trong số “6 con chim phụng không cùng bay (trong một thời đại)” ấy, 2 vị đã mất ở nơi không phải là đất chôn nhau cắt rốn của mình: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Đám tang của cụ Phan Châu Trinh tại Sài Gòn năm 1926 là sự kiện gây xúc động lớn trong lòng nhiều tầng lớp đồng bào, trở thành “một hiện tượng hiếm có” của các lực lượng dân chủ trước cao trào kháng Pháp những năm đầu thế kỷ XX…

Huỳnh Thúc Kháng, người từng đỗ đầu trong cùng kỳ thi năm 1900 với cụ Phan Châu Trinh, cũng có nhiều điều cho hậu thế ngưỡng vọng. Học hành rất giỏi, tên cụ Huỳnh được nhắc trong nhiều “danh xưng” khác nhau: ngoài “Lục phụng bất tề phi” còn có “Tam hùng” (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phạm Liệu), “Ngũ hổ” (Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến). Đời cụ là một chuỗi dài các sự kiện đặc biệt. Đỗ tiến sĩ, sau tham gia phong trào Duy tân, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn, đi tù về tham gia làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, lập tờ báo Tiếng Dân ở Huế. Sau năm 1946, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Cụ Huỳnh mất đột ngột ở tuổi 71 tại Quảng Ngãi, khi đang trên đường đi công tác năm 1947. Lời chào vĩnh quyết mà cụ kịp gửi ra cho Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện; thế là tôi chết hả”. Vì thế, sẽ không có gì ngạc nhiên khi trên mộ cụ Huỳnh ở núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi) có khắc những dòng chữ đầy tôn kính của Bác Hồ: “… Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

… Chúng tôi lặn lội tìm đến núi Thiên Ấn. Lăng mộ có kiến trúc phóng khoáng, quay về hướng nam, phía trước mặt là con sông Trà lặng chảy. Núi Thiên Bút như một bức bình phong thiên nhiên án ngữ. Vài trăm mét đường đá lát dưới bóng dương liễu già cỗi trông thật thơ mộng. Ba đại tự “Huỳnh Thúc Kháng” (chữ Hán) trên mộ nhắc nhở hậu thế về một vị đại khoa đang yên nghỉ nơi đây, và đặc biệt hơn: vị đại khoa ấy không hề muốn ra làm quan! Nhìn từ xa, nơi cụ Huỳnh yên nghỉ gần như được “bao bọc” bởi 20 gốc sứ hoa trắng, xanh um. Thêm 2 cây hoa sữa tỏa hương. Ông Nguyễn Tấn Hiền (Quảng Ngãi) thổ lộ, coi sóc phần mộ cũng là cách được “cận kề” nơi một bậc đại khoa yên nghỉ, và đó là niềm hạnh phúc thầm lặng.

“Quy cố hương”

Lăng mộ cụ Trần Quý Cáp ở nghĩa địa Gò Bướm (Điện Phước, Điện Bàn).

Lăng mộ cụ Trần Quý Cáp ở nghĩa địa Gò Bướm (Điện Phước, Điện Bàn).

Nhiều chí sĩ Quảng Nam phải gửi thân nơi xứ người, có lẽ bởi thế cuộc đã gửi gắm nơi họ quá nhiều sứ mệnh. Hãy nhớ về Trần Quý Cáp, Tiểu La Nguyễn Thành, Mai Dị, Trần Hoành, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Đình Dương… Nhưng cái chết nào cũng rất “riêng”, để rồi những cuộc “quy cố hương” sau đó cũng đầy tâm trạng.

Cụ Trần Quý Cáp (người làng Bất Nhị, nay thuộc xã Điện Phước, Điện Bàn) từng đỗ Nhất giáp Tiến sĩ, đã gắn tên mình vào phong trào Duy tân cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Sau vụ án chấn động “mạc tu hữu” (không cần chứng cứ cũng vẫn làm án), cụ Trần bị chém ngang lưng năm 1908 tại Chợ Cạn (Khánh Hòa) khi đang làm giáo thọ. Viết về sự kiện này, Huỳnh Thúc Kháng cảm thán: “Tiên sinh lên đoạn đầu đài, thật là thê thảm! Trong lịch sử huyết lệ, tiên sinh là người thứ nhất!”. Sau, thi hài cụ Trần cũng được chuyển về quê nhà, lăng mộ xây từ năm 1938 và đến năm 1994 trùng tu… Lăng mộ cụ giờ tọa lạc ở nghĩa địa Gò Bướm (thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước), năm 2000 được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Ấy vậy mà mỗi lần nhắc đến, cán bộ làm công tác VH-TT ở Điện Bàn lại thở dài. Chúng tôi thử một lần đến nghĩa địa Gò Bướm, quả thực rất khó khăn để tìm mộ cụ Trần trong số cả trăm ngôi mộ nằm san sát và chôn cất lộn xộn, lối vào có nơi hẹp chưa đến 0,5 mét…

… Nhưng với người anh hùng 38 tuổi ấy, chuyện sau khi chết đôi khi lại “dài” hơn lúc sống. Chuyện kể rằng, khi hài cốt cụ Trần Quý Cáp được rước về quê bằng đường bộ, lúc ngang qua Hoài Nhơn (Bình Định) thì quan tri phủ Nguyễn Đình Hiến quê gốc Quế Sơn – Quảng Nam đã bày bài vị, khăn áo chỉnh tề bái lạy và khóc giữa đường. Bị nghi ngờ, cụ Nguyễn Đình Hiến sau đó đã phải… giả điên mới thoát khỏi đòn trừng phạt của giặc Pháp. Nơi cụ Trần bị giặc chém hiện vẫn đang hương khói, bởi từ năm 1970 người dân Chợ Cạn đã đóng góp xây dựng một đền thờ dành cho người chí sĩ.

*
* *

Nhiều danh nhân, chi sĩ Quảng Nam mất ở xứ người bây giờ đã được cải táng trong nghĩa địa ở quê.

Nhiều danh nhân, chí sĩ Quảng Nam mất ở xứ người bây giờ đã được cải táng trong nghĩa địa ở quê.

Còn những ai đã kịp “quay về quê cũ” nữa? Khi Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, Nguyễn Duy Hiệu bị hành quyết ở pháp trường An Hòa – Huế năm 1887, sau đó gia đình cũng lén đưa hài cốt về quê táng ở Bến Trễ (Cẩm Hà, Hội An). Khi còn chôn tại Huế, mộ cụ rất sơ sài, thậm chí không dựng bia. Mãi sau này, lăng mộ cụ Hường Hiệu bắt đầu tu bổ, nhưng phải đến giai đoạn 1998-1999 mới được xây dựng khá công phu, trùng tu hoàn chỉnh với nhiều họa tiết trang trí đẹp trên diện tích 500m2, trở thành di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Đối với Hội An, vào mỗi kỳ Trung thu – đúng ngày cụ Hường Hiệu mất, khu lăng mộ của cụ là một trong 3 nơi để chính quyền và gia đình đến viếng cùng với nhà thờ, tượng đài.

Bây giờ, khi đến Nam Thành sơn trang cũ (Thăng Bình), khách thường được nghe nhắc về quãng thời gian ngót 50 năm Tiểu La Nguyễn Thành – vị Tán tương quân vụ của phong trào Nghĩa hội – phải gửi nắm xương tàn ở Côn Đảo. Cụ Tiểu La cũng là một trong những người có công rất lớn cùng với cụ Phan Bội Châu trong việc sáng lập Duy Tân hội. Năm 1908, cụ bị địch bắt và đày đi Côn Đảo, qua đời tại đó năm 1911… Rồi chuyện ông nghè Mai Dị phải ngót 61 năm kể từ ngày mất (năm 1928) tại núi Ngự Bình Huế mới cải táng về quê. Chuyện cụ Đỗ Đăng Tuyển quyết tuyệt thực và mất tại nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị) năm 1911 để giữ tròn khí tiết, hơn một năm sau gia đình ông mới được “xin” đưa hài cốt về Đại Lộc an táng. Hay chuyện chí sĩ Lê Đình Dương tự kết liễu đời mình bằng độc dược tại nhà lao Ban Mê Thuột năm 1919 ở tuổi 26 do không chịu nổi nhục hình và đày ải khắc nghiệt của thực dân Pháp. Mộ phần cụ Lê Đình Dương thất lạc bởi chiến tranh, phải đến 79 năm sau chính quyền và thân nhân mới tìm kiếm được, đưa về cải táng tại Điện Bàn…

Bài 5: “Cười” cùng Thủ Thiệm

Thủ Thiệm, “cây cười” dân gian xứ Quảng độc đáo, đang được ôm ấp bởi những rặng phi lao trên triền cát Núi Thành. Ở đó còn có một con người ưu tú khác nữa của Nghĩa hội Quảng Nam: Phan Bá Phiến. Mỗi người có hành trạng khác nhau, nhưng lại chung một nỗi-niềm-bia-mộ…

HỨA VĂN ĐÔNG (Theo Báo Quảng Nam)

Tháng Tám 18, 2008 Posted by | 1. Xã hội | Bình luận về bài viết này